Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao (24-3): Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao

11:50 SA 24/03/2021

 

Bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Phổi Hải Phòng) khám người bệnh.

 

 

 

(HPĐT)- Với dân số hơn 2 triệu người, dịch tễ bệnh lao tại Hải Phòng hiện ở mức trung bình so với cả nước. Hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phát hiện gần 2 nghìn người mắc bệnh lao các thể, điều trị thành công 90% số người bệnh lao được thu nhận. Kết quả này góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống lao của cả nước, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

 

 

Nhiều bước tiến mới

 

 

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Tiến Viễn, Trưởng Khoa Nội 2 (Bệnh viện Phổi Hải Phòng), bệnh lao là bệnh truyền nhiễm, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí, có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Hằng năm, số ca tử vong do lao trên thế giới còn cao hơn nhiều số ca tử vong do tai nạn giao thông và dịch COVID-19. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời, trong khi đây là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu công tác phòng, chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, ngành và của cả công đồng, mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.

 

 

Để góp phần đẩy lùi bệnh lao, tiến tới chấm dứt căn bệnh này, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Ban Chỉ đạo Chương trình chống lao (CTCL) thành phố nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời thông qua phát hiện chủ động, sử dụng X-quang kỹ thuật số, xét nghiệm sinh học phân tử GeneXpert (chiến lược 2X), kết hợp điều trị lao tiềm ẩn. Trong đó, tỷ lệ điều trị thành công người bệnh lao phổi mới của thành phố có bằng chứng vi khuẩn học đạt so với mục tiêu đề ra là hơn 90%. Năm 2020, Hải Phòng là một trong những đơn vị triển khai thí điểm điều trị Bedaquilin cho người bệnh lao kháng thuốc (gồm cả phác đồ ngắn hạn và dài hạn). Hoạt động chống lao tại 15 quận, huyện, các trung tâm 05, 06 và Trại giam Xuân Nguyên luôn duy trì đều trong phát hiện và quản lý điều trị người bệnh lao, triển khai và thực hiện hiệu quả cao hoạt động chống lao tại địa phương. Các phòng xét nghiệm từ tuyến thành phố đến quận, huyện có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác chống lao, duy trì cập nhật dữ liệu, quản lý thông tin người bệnh trên hệ thống phần mềm quản lý người bệnh Vitimes. Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Hải Phòng còn ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm GeneXpert, giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh lao và lao đa kháng thuốc; triển khai điều trị lao tiềm ẩn phác đồ 3RH cho những người tiếp xúc, sống cùng nhà với người bệnh lao phổi và điều trị lao sơ nhiễm cho trẻ mắc lao và điều trị dự phòng lao bằng thuốc INH cho trẻ em tiếp xúc với nguồn lây…

 

 

Phòng, chống dịch COVID-19 không quên phòng, chống lao

 

 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Mạc Huy Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Phòng, Chủ nhiệm Chương trình chống lao thành phố đánh giá, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song hoạt động chống lao thành phố đang gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể, 1/3 số người mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, quản lý, điều trị, tập trung ở những người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Trong khi đó, sự đầu tư của nhà nước còn hạn chế, tài trợ của nước ngoài giảm. Do vậy, thiếu nguồn lực để thực hiện hoạt động chống lao. Lao kháng đa thuốc và siêu kháng thuốc đang gia tăng nhanh mà Hải Phòng có tỷ lệ lao kháng đa thuốc cao so với các địa phương trong cả nước (ước tính 4% trong tổng số người bệnh lao thu nhận). Dù tỷ lệ người bệnh lao mắc HIV giảm so với những năm trước nhưng việc phát hiện, quản lý, điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến hoạt động chung của các cơ sở y tế và hoạt động của CTCL thành phố. Do lo ngại lây nhiễm bệnh nên người dân mắc bệnh lao hạn chế đến cơ sở y tế để tiếp cận dịch vụ y tế nên số người bệnh đến khám, chữa bệnh chưa cao. Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, số người bệnh lao thu dung điều trị có xu hướng giảm mạnh so năm 2019 (giảm 14%). Hoạt động sàng lọc cộng đồng tại địa phương và cơ sở y tế tuyến quận, huyện phải tạm dừng bởi dịch bệnh nên số người bệnh được phát hiện chủ động giảm so với trước…

 

 

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CTCL quốc gia, các cơ sở trong mạng lưới chống lao của thành phố cần chủ động thực hiện bệnh viện an toàn; tiếp tục tăng cường huy động các nguồn lực từ các cấp, ngành tham gia phòng, chống lao. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật, phác đồ điều trị mới vào chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh lao trên địa bàn thành phố. Tiếp tục thực hiện chiến dịch “2X” theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo CTCL quốc gia, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước trong phát hiện, khám và sàng lọc bệnh lao. Đồng thời, tiếp tục mở rộng độ bao phủ của BHYT đối với người mắc lao và thực hiện có hiệu quả quỹ do Ban Chỉ đạo CTCL quốc gia phát động, phân bổ để hỗ trợ người mắc lao nghèo chiến thắng bệnh lao./.