Huyện Thủy Nguyên: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cấp THCS

10:38 SA 11/10/2023

 

 

 

Trường THCS An Lư điều chỉnh thời khóa biểu và lịch học để khắc phục tạm thời việc thiếu giáo viên.

 

(HPĐT)- Vào năm học 2023-2024 được hơn 1 tháng, nhưng một số trường THCS trên địa bàn huyện Thủy Nguyên vẫn phải co kéo lịch dạy và học vì thiếu giáo viên.

 

Toàn huyện thiếu hơn 100 giáo viên

Trong khoảng 1 tháng đầu năm học 2023-2024, thời khóa biểu của lớp 6A, Trường THCS Minh Tân phải thay đổi đến 3 lần, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh. Lịch học các môn không cố định, vì cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Hoài phải bố trí thời gian đi bồi dưỡng môn Địa lý. Cô Hoài đang dạy đến 31 tiết/tuần ở 2 môn Ngữ văn và Lịch sử, vượt gần gấp đôi định mức theo quy định là 19 tiết/tuần. Song, vì trường thiếu giáo viên, cô Hoài tiếp tục tham gia lớp bồi dưỡng môn Địa lý để thời gian tới dạy thêm môn này tại trường. Được biết, hiện nay, Trường THCS Minh Tân có 776 học sinh với 18 lớp, nhưng đang thiếu đến 10 giáo viên - vào tốp trường nhiều nhất của cấp học THCS huyện Thủy Nguyên.

 

Trường THCS An Lư cũng đang vất vả với việc bố trí lịch dạy và học vì thiếu đến 9 giáo viên và 2 nhân viên thư viện, văn thư. Hiệu trưởng Võ Thị Hiền phản ánh, trường có 1.094 học sinh với 25 lớp. Trong đợt hè vừa qua, có 3 giáo viên chuyển trường, chuyển định cư nước ngoài và nghỉ hưu. Năm học 2023-2024, trường tăng thêm 126 học sinh, nếu tính đúng theo quy định 1,9 giáo viên/lớp, trường phải có 48 giáo viên. Tuy nhiên, hiện trường chỉ có 40 giáo viên. Trong đó, có 5 giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ (hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập). Trong tháng 11 tới, 2 giáo viên nữa sẽ chuyển đi trường khác, trường thiếu đến 11 giáo viên. Nhất là, trường chưa có giáo viên được đào đạo bài bản dạy các môn tích hợp khoa học tự nhiên và địa lý -lịch sử. Vì đó, mỗi thầy, cô giảng dạy môn khoa học tự nhiên “căng” đến 38 tiết/tuần. Chưa kể, các giáo viên phải kiêm nhiệm thêm công tác văn thư, thư viện.

 

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Kế thông tin, cấp THCS đang thiếu giáo viên nhất trong các cấp học trên địa bàn huyện, đến hơn 100 giáo viên. Nguyên nhân là năm học 2023- 2024, cấp học THCS tăng lên 3.100 học sinh so với năm học trước. Điều lệ trường THCS quy định 1,9 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, chỉ tiêu biên chế giao của thành phố không phù hợp, lấy số học sinh của năm học trước để giao số giáo viên của năm học sau, dẫn tới các trường gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí giảng dạy, phân công lao động, kinh phí để chi trả cho việc thỉnh giảng, hợp đồng. Ngoài ra, năm học 2022-2023, đơn vị được phép hợp đồng thêm 146 giáo viên theo Nghị định 111 để bù vào số giáo viên đang thiếu. Song, do không đủ nguồn để tuyển, đơn vị chỉ hợp đồng được 72 giáo viên.

 

Thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp

Các trường THCS thiếu giáo viên đang thực hiện nhiều giải pháp tình thế. Như Ban giám hiệu Trường THCS An Lư cử 8 giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý tham gia khóa học bồi dưỡng của Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức; điều chỉnh lịch học cả sáng và chiều. Hiệu trưởng Võ Thị Hiền cho biết, hiện trường đang hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng, thời gian tới sẽ mở rộng hơn. Tuy nhiên, vấn đề vướng nhất hiện nay là việc chi trả tiền thù lao số tiết tăng thêm cho giáo viên. Năm 2022, giáo viên nào có số tiết dạy vượt quy định trong năm sẽ được chi trả tiền dạy tăng tiết. Tuy nhiên, từ năm 2023, ngành Nội vụ tính tổng tiết dạy của toàn trường theo quy định, nếu dư số tiết mới chi trả tiền dạy tăng tiết. Nhưng cách tính này không hợp lý vì có bộ môn thiếu giáo viên, thầy, cô phải dạy tăng tiết; nhưng cũng có bộ môn giáo viên dạy thiếu hoặc đủ giờ theo quy định. Trong khi theo quy định, trong năm học, mỗi thầy, cô phải dạy 37 tuần, thực chất dạy 35 tuần, còn 2 tuần làm các công việc chuẩn bị khai giảng. Với định mức 19 tiết/tuần, tính ra bù vào thời gian 2 tuần chưa dạy và bù trừ số tiết giữa giáo viên dạy nhiều, dạy ít, hầu hết các trường đủ tiết dạy. Thực tế này ảnh hưởng đến quyền lợi của những giáo viên dạy tăng tiết, khi không được chi trả. Vì thế, trường cố gắng bố trí hợp lý nhất số tiết dạy đối với các giáo viên. Đồng thời, đề nghị ngành Nội vụ xem xét điều chỉnh định biên giáo viên phù hợp từng năm học và cách tính chi trả tiền dạy số tiết tăng thêm phù hợp thực tế hơn.

 

Trong cuộc tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Uông Minh Long đề nghị các ban, ngành, địa phương trên địa bàn huyện, nhất là các trường chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý và tự đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Thực hiện chỉ đạo trên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Kế cho biết, đơn vị tham mưu UBND huyện luân chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều và biệt phái giáo viên. Ngoài ra, Phòng tạo điều kiện để bồi dưỡng chuyên môn đối với giáo viên; đồng thời chỉ đạo các trường THCS linh hoạt bố trí các môn học, nhất là các môn học đang thiếu giáo viên bảo đảm chất lượng giảng dạy. Song, về lâu dàicác cấp, ngành chức nằng cần có cơ chế đãi ngộ tuyển dụng, giữ chân giáo viên để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu giáo viên nói chung, trong đó có giáo viên THCS của ngành Giáo dục và Đào tạo, không chỉ với giáo viên huyện Thủy Nguyên./.