Huyện Thủy Nguyên: Sản xuất công nghiệp nhanh chóng phục hồi
(HPĐT)- Sau bão số 3 hơn 1 tháng, hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Thủy Nguyên nhanh chóng vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại về nhà xưởng, máy móc, sớm phục hồi sản xuất trở lại theo kế hoạch.

Hoạt động sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Eco Brick ở thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên). Ảnh: TRUNG KIÊN
Vừa khắc phục, vừa sản xuất
Mặc dù tốc mái 2 xưởng có tổng diện tích 25 nghìn m2 và hỏng 2 dây chuyền đóng gạch bán tự động, tự động khép kín, với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, nhưng sau khoảng 5 ngày, Công ty TNHH Eco Brick ở thị trấn Minh Đức nhanh chóng sửa chữa, khôi phục sản xuất gạch không nung. Giám đốc Công ty Tô Văn Hoàng cho biết, vì doanh nghiệp đang thực hiện đơn hàng gấp với 3 triệu viên gạch lát nền phục vụ xây dựng cảng nên phải sớm phục hồi sản xuất. Doanh nghiệp thuận lợi khi là công ty thành viên của doanh nghiệp chuyên về xây dựng, nên bố trí sớm nhân lực và vật liệu để lắp đặt trước 1 nhà xưởng và sửa chữa máy đóng gạch tự động. 5 ngày sau, dây chuyền tự động sản xuất gạch không nung hoạt động trở lại với công suất gần 4000 viên/ngày. Để kịp sản xuất đơn hàng theo hợp đồng, doanh nghiệp tăng ca 3 giờ/ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp tiếp tục sửa chữa, lợp lại mái tôn của xưởng thứ 2 và sửa máy đóng gạch bán tự động. Dự kiến, trong tháng 10 này, hoạt động sản xuất gạch của công ty ổn định hoàn toàn, đáp ứng tiếp đơn hàng phục vụ đơn vị thi công xây dựng cảng và các khu nhà ở xã hội, nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.
Cũng với nhanh chóng khôi phục sản xuất, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Toàn Thắng, ở xã Ngũ Lão vừa tập trung hoạt động xử lý chất thải công nghiệp vừa khắc phục các hạng mục bị sập đổ do bão số 3. Giám đốc Công ty Phạm Thị Toan cho biết, doanh nghiệp chuyên xử lý chất thải công nghiệp. Trước bão, doanh nghiệp tập trung xử lý hết lượng chất thải công nghiệp được vận chuyển về nhà máy. Tuy nhiên, sau bão, nhà máy ngừng hoạt động 10 ngày để khắc phục trước khi trở lại tiếp nhận, xử lý chất thải công nghiệp. Đầu tháng 10, hoạt động của công ty bình thường và tiếp tục sửa chữa một số hạng mục phụ trợ còn lại.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chịu tác động nặng hơn doanh nghiệp quy mô lớn do nguồn lực hạn chế, khả năng chống chịu thiên tai thấp. Song, các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ nỗ lực phục hồi trong tháng 10- 2024. Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ xưởng đúc gang ở làng nghề đúc xã Mỹ Đồng cho biết, gia đình có 2 xưởng bị tốc mái tôn, nhưng thời điểm này khó thuê thợ sửa chữa và thiếu nguyên vật liệu nên đến đầu tháng 10, ông mới cơ bản khắc phục thiệt hại và trở lại sản xuất. Trong thời gian này, xưởng phải giãn hoãn đơn hàng, mất tổng thu 2 tỷ đồng. Còn anh Hà Văn Tuấn, chủ xưởng đúc ở làng nghề này cũng cho biết, đến giữa tháng 10-2024, anh mới tổ chức sản xuất trở lại vì cần thời gian sửa nhà xưởng, máy mô tơ điện, máy dập và phơi khô cát đúc gang...
Kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn
Để sản xuất công nghiệp nhanh chóng phục hồi, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, ngoài nỗ lực nội tại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Thủy Nguyên bị thiệt hại do bão Yagi đều mong muốn sớm nhận được hỗ trợ thông qua các chính sách cụ thể. Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Toàn Thắng Phạm Thị Toan cho biết, công ty bị thiệt hại hơn 4,5 tỷ đồng, đề nghị được giảm thuế trong các tháng cuối năm và ngân hàng giảm lãi suất, giãn thời gian tất toán món vay để công ty có điều kiện phục hồi, tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh. Anh Hà Văn Tuấn, chủ xưởng đúc của làng nghề đúc Mỹ Đồng mong muốn được vay thêm vốn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đang gặp khó hơn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng do không có đủ tài sản bảo đảm sau những thiệt hại do bão lũ gây ra.
Nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ là nguồn thu chủ yếu và bền vững của địa phương. Theo báo cáo của UBND huyện Thủy Nguyên, trong 9 tháng qua, tổng giá trị sản xuất các ngành là 42.043 tỷ đồng, đạt 75,1% kế hoạch, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn giảm 0,2% so với kỳ 6 tháng do thiệt hại của bão Yagi. 3 tháng cuối năm, huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất các ngành 13.915 tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch. Để đạt kết quả này, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên giao các phòng, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện rà soát, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị thiệt hại sau bão Yagi. Đồng thơi hướng dẫn, triển khai các chính sách về gia hạn, miễn thuế, giảm thuế cũng như chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đầu vào trong trường hợp gặp thiên tai theo quy định của pháp luật. Từ đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể tiếp cận nguồn vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và thành phố nói chung.