Khởi công cầu Bến Rừng: Mở hướng kết nối liên vùng Hải Phòng- Quảng Ninh

08:08 CH 12/05/2022

 

 

 

Phối cảnh cầu Bến Rừng.

 

(HPĐT)- Trong khuôn khổ các chương trình chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2022), thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khởi công cầu Bến Rừng, nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Quảng Yên. Cây cầu không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ giữa hai địa phương mà còn giữ vai trò liên thông, thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển mới...

Cây cầu nối hai bờ ước vọng

Cách trở bởi dòng sông Đá Bạch (hợp lưu với sông Giá tại bến Rừng thành sông Bạch Đằng), nhu cầu về phát triển kinh tế- xã hội, nhất là thúc đẩy các hoạt động vận tải và du lịch giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh chưa thực sự kết nối đồng bộ. Cho dù có tuyến quốc lộ 10 và cầu Bạch Đằng nối với đường cao tốc Hải Phòng- Hạ Long, nhưng khu vực tiềm năng giữa huyện Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên vẫn chưa được khai phá do cách trở bởi phà Rừng. Đây là tuyến phà vượt sông lớn nhất tại Hải Phòng, cắt ngang luồng hàng hải phà Rừng, mỗi lần qua sông, người dân phải chờ đợi lâu. Có được cây cầu qua sông là ước vọng của người dân và các doanh nghiệp hai bờ...

Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh đến vai trò kết nối liên vùng trong sự phát triển chung của cực tăng trưởng phía Bắc giữa Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh. Để hiện thực hóa sự kết nối ấy, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và cụ thể hóa chương trình làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng với các Tỉnh ủy Hải Dương, Quảng Ninh về kết nối hạ tầng giao thông, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh thống nhất triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, kết nối huyện Thủy Nguyên của thành phố Hải Phòng với thị xã Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh. Dự án được giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư và sau thời gian dài chuẩn bị, đến nay thủ tục để khởi công dự án hoàn tất, chờ giờ phát lệnh khởi công.

Cùng với cầu còn xây dựng đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài khoảng 410 m, mặt cắt ngang nền đường rộng 22,5 m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, dải an toàn, dải phân cách, lề đường không gia cố. Cầu và đường dẫn được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, biển báo hiệu đường thủy, đường bộ. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.900 tỷ đồng từ các nguồn: ngân sách Trung ương (1.100 tỷ đồng), ngân sách thành phố Hải Phòng (835,4 tỷ đồng) và ngân sách tỉnh Quảng Ninh (5,5 tỷ đồng) chi phí giải phóng mặt bằng phần cầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Song song với dự án cầu Bến Rừng, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dẫn cầu Bến Rừng thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh dài 2,3 km với tổng mức đầu tư 258 tỷ đồng. Như vậy, sự kết nối qua cầu Bến Rừng sẽ bảo đảm giao thông đồng bộ giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Mở hướng phát triển mới

Việc khởi công cầu Bến Rừng không chỉ đáp ứng sự mong mỏi của người dân và doanh nghiệp hai bên bờ sông, mà từ đây mở ra hướng phát triển trên không gian mới giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Sau 24 tháng (đến tháng 5-2024) khi cây cầu này đưa vào sử dụng sẽ nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, thị xã Quảng Yên nói riêng và 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh nói chung. Cây cầu từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh các địa phương khu vực dự án; thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân thành phố Hải Phòng với nhân dân tỉnh Quảng Ninh, nhất là nhân dân địa phương nơi dự án đi qua.

Cùng với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đang triển khai và cầu Bạch Đằng đang đưa vào khai thác, dự án xây dựng cầu Bến Rừng tạo hành lang thuận lợi, kết nối giao thông đa dạng giữa Hải Phòng- Quảng Ninh, mở hướng phát triển trên không gian mới. Đó là phát triển công nghiệp- dịch vụ, khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ cảng biển, dịch vụ vận tải... giữa hai địa phương. Không còn bị cách trở bởi dòng sông, nhu cầu đi lại của người dân đỡ vất vả hơn, thời gian qua sông trước đây mất hàng giờ, khi cầu hoàn thành chỉ tính bằng phút, thuận lợi hơn về Y tế, Giáo dục. Vì vậy, để cây cầu hoàn thành theo đúng tiến độ, người dân hai bên bờ sông cần ủng hộ dự án, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, nhà thầu và các địa phương liên quan quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa cây cầu vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Với vị thế trung tâm giao thông của vùng Duyên hải phía Bắc, thành phố Hải Phòng đã và đang tập trung đầu tư các dự án giao thông, trong đó ưu tiên những dự án giao thông có tính kết nối liên vùng, liên địa phương. Hải Phòng, Quảng Ninh là hai địa phương nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế của phía Bắc, mở rộng kết nối giao thông là yêu cầu cần thiết để cùng phát triển. Không chỉ cùng xây dựng cầu Bến Rừng, tới đây, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Quảng Ninh triển khai dự án cầu Lại Xuân, nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều, để đồng bộ mạng lưới giao thông, phát triển đa dạng về kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng Đông Bắc của Tổ quốc./.

 

 

Theo thiết kế, cầu Bến Rừng là cây cầu có kết cấu vĩnh cửu với chiều dài cầu khoảng 1.865,3 m, phần cầu chính gồm 4 nhịp Extradosed với sơ đồ (90+2x160+90) m, phần cầu dẫn gồm 34 nhịp dầm super T, cả phần cầu chính và cầu dẫn rộng 21,5 m. Cầu có mố, trụ bằng bê tông cốt thép, móng sử dụng cọc khoan nhồi, tải trọng thiết kế HL 93, kích thước thông thuyền BxH=2x (85x11) m. Cầu Bến Rừng mang thiết kế bản sắc địa phương với 3 trụ chính vượt sông hình chữ V (chữ chiến thắng viết tắt trong tiếng Anh), thể hiện 3 lần chiến thắng giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng lịch sử.