Nâng cao kỹ năng làm việc an toàn

10:38 SA 03/12/2024

(HPĐT)- Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 18-11, trên địa bàn thành phố xảy ra 23 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 23 người (tăng 12 vụ, 12 người chết so với cùng kỳ năm ngoái). Tình trạng đáng báo động là các vụ tai nạn lao động ngã từ trên cao, chết người gia tăng nhanh chóng. Do đó, tăng cường công tác huấn luyện, nêu cao ý thức tự giác chấp hành của người lao động chủ động ngăn ngừa rủi ro từ môi trường là việc làm thường xuyên, cần thiết.

 

Người lao động Công ty CP cơ khí và xây dựng AMECC tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động.

 

Nhiều tai nạn do chủ quan 

Theo bản khai báo tai nạn lao động của Công ty CP Polyfill gửi Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chiều 4-11, có 1 lao động được thuê khoán để sửa chữa các tấm pallet kê hàng, đứng trên xe nâng để buộc bạt mái che và ngã từ trên cao dẫn đến tử vong. Trước đó, đầu tháng 10 năm nay, tại Công ty TNHH CORE5 Hải Phòng 1, nam công nhân lợp mái tôn, rơi từ mái nhà xưởng xuống sàn bê tông (độ cao khoản 11 mét) bị thiệt mạng. Cũng trong tháng 10-2024, tại Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng, công nhân N.V.S làm công việc xỏ quai bao xi măng để cẩu xuống tàu bị ngã từ sàn xe xuống mặt cầu F dẫn đến tử vong. 

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tai nạn là nhiều lao động chưa được tập huấn kiến thức về an toàn lao động định kỳ, chuyên sâu. Mặt khác, một số người lao động còn tâm lý chủ quan, lơ là hoặc làm việc theo thói quen, cảm tính, nhất là lao động thời vụ, thuê khoán, không giao kết hợp đồng lao động. Anh Trần Văn Đức, 38 tuổi, trú tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh cho biết: Tháng 9-2024, anh tham gia lắp hàng rào, sửa mái tôn tại công trình nhà xưởng trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ. Do ánh sáng hàn làm chói mắt, lại không đeo dây bảo hộ, anh Đức trượt chân, ngã từ giàn giáo cao hơn 3 mét, dẫn đến đa chấn thương vùng chân, lưng, vai và suy giảm 30% sức lao động. 

Theo Giám đốc Trung tâm kiểm định và an toàn kỹ thuật Hải Phòng (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh việc thực hiện công tác kiểm định thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm hướng dẫn các doanh nghiệp hướng dẫn, tổ chức huấn luyện đối với hơn 30 nghìn lượt người lao động từ nhóm 1 đến nhóm 6 (tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa cao so với số lượng lao động đang sử dụng làm việc trên địa bàn thành phố. Một số đơn vị chưa chú trọng, tập trung, quan tâm tới công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đối với môi trường làm việc đặc thù (như làm việc trên cao), tổ chức huấn luyện chung các nhóm hoặc huấn luyện qua loa, hình thức, đối phó với cơ quan chức năng… nên người lao động chưa thuộc lòng, thành thạo quy trình, hình thành kỹ năng làm việc an toàn.

Nhắc nhở kết hợp xử phạt nghiêm 

10 tháng qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai 1.200 phiếu tự kiểm tra pháp luật lao động trực tuyến để các đơn vị kịp thời phát hiện “lỗ hổng” trong thực hiện pháp luật lao động nói chung, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nói riêng. Một số doanh nghiệp tiếp tục duy trì giải pháp đôn đốc, nhắc nhở người lao động tuân thủ. Theo Phó Ban An toàn Công ty CP xây dựng GM Trần Văn Trung, song song việc được tham gia các lớp tập huấn trực tiếp, thường xuyên, người lao động của Công ty phải ký cam kết khi nhận thiết bị bảo hộ, vào công trường làm việc. Công ty bố trí người giám sát, nhắc nhở, yêu cầu bắt buộc người lao động phải đeo dây an toàn trước khi làm việc trên cao. Việc di chuyển ở chỗ làm việc phải thực hiện theo đúng nơi, đúng tuyến quy định, công ty nghiêm cấm người lao động đi lại trên đỉnh tường, đỉnh dầm, xà, dàn mái và các kết cấu đang thi công khác, cấm đùa nghịch, leo trèo qua lan can an toàn, qua cửa sổ, trước, trong thời gian làm việc trên cao không được uống rượu, bia… Mỗi người lao động phải dùng túi đựng dụng cụ, nghiêm cấm hành vi vứt ném, đồ từ trên cao xuống. Nếu bị nhắc nhở quá 3 lần, người lao động bị phạt hoặc buộc thôi việc. 

Liên đoàn Lao động thành phố, tổ chức công đoàn tại cơ sở chú trọng mở các lớp tập huấn về nhận diện nguy cơ rủi ro từ môi trường, phát huy sáng kiến giảm thiểu tai nạn lao động tại nơi làm việc đối với người lao động. Tuy nhiên, để giảm thiểu tai nạn lao động tận gốc, không chỉ dừng lại ở giải pháp tuyên truyền, vận động. Từ đầu năm 2024 đến nay, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xử phạt hành chính đối với 15 tổ chức, 54 cá nhân vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, BHXH..., với số tiền hơn 517 triệu đồng, bằng 322% cùng kỳ năm ngoái. Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Cao Lân thời gian tới, lực lượng Thanh tra Sở tăng cường phối hợp Phòng Việc làm - An toàn vệ sinh lao động (thuộc Sở), Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, thực hiện phương án yêu cầu dừng thi công, tạm ngừng sản xuất đối với những đơn vị, doanh nghiệp có người lao động không mang các thiết bị bảo hộ bảo đảm an toàn khi làm việc trên cao. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập