Làng nghề chế biến cau Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên) vào vụ chính: Hoạt động cầm chừng vì cau rớt giá
Các lò sấy cau ở xã Cao Nhân hoạt động cầm chừng để giữ nghề.
(HPĐT)- Làng nghề chế biến (sấy) cau xuất khẩu ở xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên) đang vào chính vụ sản xuất (từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch), nhưng năm nay đìu hiu vì giá cau rớt, thị trường không ổn định. Cả làng hiện chỉ còn 5-6 lò “đỏ lửa” để cố giữ nghề.
Vào cuối tháng 10, đáng lẽ như đầu năm trước, xưởng sấy cau của anh Hoàng Văn Hùng, ở thôn 9, xã Cao Nhân phải tấp nập hàng chục người làm, các lò sấy hoạt động ngày đêm. Nhưng hiện khoảng 1 tuần, anh Hùng mới cho sấy 1 mẻ cau. Dàn máy sấy cau hiện đại của xưởng được đầu tư hơn 6 tỷ đồng, nhưng ngày hoạt động, ngày nghỉ. Có nhiều thời kỳ xưởng thu hút 50 - 70 công nhân làm việc, nhưng nay chỉ còn 15 người. Các đống cau khô chất cao ngất để nhiều ngày trong xưởng mà chưa xuất được.
Được biết, xưởng sấy cau của anh Hùng có quy mô lớn nhất xã Cao Nhân. Không chỉ sấy cau tại xã, anh Hùng còn chung vốn với 5 anh, em khác mở 5-6 lò sấy cau ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng hiện cũng đìu hiu như vậy. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở từ Bắc vào Nam của anh Hùng mới xuất được 200 tấn cau khô, trong khi năm 2022 xuất đến 600-700 tấn. Anh Hùng thông tin, năm 2022, vào đầu mùa cau, giá cau tươi và cau khô khá cao. Riêng cau tươi ở miền Bắc giá 50-60 nghìn đồng/kg, còn cau tươi trồng ở miền Nam có giá đến 90 nghìn đồng/kg. Giá xuất cau khô lên tới 300 triệu đồng/tấn. Nhưng đến cuối mùa, giá cau khô rớt thê thảm xuống còn 60 triệu đồng/tấn. Các cơ sở sấy cau đều bị động, lao đao vì đã mua tích lượng lớn cau tươi, cau khô, buộc phải bán giá rẻ. Cơ sở của anh Hùng bị lỗ đến gần 40 tỷ đồng; còn các cơ sở nhỏ khác lỗ từ 1 đến vài tỷ đồng. Năm nay, nhiều chủ cơ sở muốn sấy cau trở lại nhưng không còn vốn. Để duy trì lò sấy cau, anh Hùng và anh em, bạn bè gom góp, vay mượn, thế chấp ngân hàng để bám lấy nghề. “Thời điểm hiện tại, giá cau khô 100 triệu đồng/tấn, nhưng chỉ được xuất qua đường tiểu ngạch. Cơ sở được thu tiền ngay, nhưng không có hợp đồng nên thường xuyên bị đối tác ép giá. Hiện, tôi vừa làm vừa phải nghe ngóng thị trường”, anh Hùng bày tỏ.
Đây cũng là tình cảnh chung của các cơ sở thu mua và sơ chế cau trên địa bàn xã Cao Nhân. Chị Nguyễn Thị Dung, chủ cơ sở sấy cau ở thôn 9 cũng cho biết, cau chưa thuộc danh mục mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác mua. Như khoảng 2 năm trước, nhu cầu mua cau khô của thị trường Trung Quốc tăng cao, giá cau tăng đột biến, cung không đủ cầu. Nhưng từ cuối năm ngoái đến nay, giá cau lao dốc. Nay có dấu hiệu khá hơn về giá, nhưng nguy cơ vẫn gặp nhiều rủi ro. Vụ cau này, khoảng 1 tuần, cơ sở của chị Dung mới đóng được 1 container với 25 tấn cau khô và chỉ xuất bằng đường tàu biển. Thời gian vận chuyển lâu (khoảng 1 tháng), dẫn đến nhiều khi, cau bị mốc, bị trả về. Hiện, chị Dung cố bám nghề để gỡ phần nào thua lỗ.
Các cơ sở chế biến cau khô xuất khẩu tại xã Cao Nhân sụt giảm doanh thu, kéo theo nhiều người lao động, nhất là lao động trung tuổi tại địa phương không có việc làm ổn định, mất nguồn thu nhập. Bà Nguyễn Thị Tỏa, hơn 60 tuổi cho biết, 2 năm về trước, nghề sấy cau phát triển, cả xã có 70-80 lò sấy. Không khí lao động tấp nập với hàng trăm người già, trẻ nhặt cau, sấy cau. Thu nhập của người dân từ 300 đến 500 nghìn đồng/ngày. Hiện trong làng còn vài lò sấy cau hoạt động với mấy chục lao động thời vụ. Thu nhập của bà Tỏa cao nhất chỉ 200 nghìn đồng/ngày, lúc có việc, lúc nghỉ.
Làng nghề chế biến cau Cao Nhân đến nay hoạt động được gần 30 năm, nhưng vẫn trong tình trạng phát triển bấp bênh, lúc được mùa, giá cao, lúc rớt giá thê thảm. Việc kinh doanh của các chủ cơ sở chế biến cau Cao Nhân với các thương lái đối tác vẫn theo kiểu dựa trên sự quen biết, hợp đồng riêng lẻ. Sản phẩm cau chỉ dừng lại ở việc chế biến thô, chưa có thương hiệu, tem mác, nên giá bấp bênh, phụ thuộc vào phía đối tác mua.
Để có thể phát triển ổn định, bền vững, làng nghề chế biến cau Cao Nhân cần xây dựng hiệp hội để quy tụ các hộ kinh doanh cùng hỗ trợ nhau về vốn, đầu vào, đầu ra, nhất là chế biến cau khô mang tính chuyên nghiệp có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng. Khi đó, giá trị sản phẩm cau khô mới được nâng lên, hoạt động xuất khẩu mới có thể mang tính bền vững. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cao Nhân Nguyễn Thái Sơn đánh giá, làng nghề sấy cau khô mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân địa phương. Tuy nhiên, các chủ cơ sở cần chủ động nắm bắt thị trường trong hoạt động thu mua, chế biến cau khô xuất khẩu. Về lâu dài, địa phương đề nghị huyện Thủy Nguyên quan tâm, xem xét tạo điều kiện hỗ trợ phát triển làng nghề về địa điểm, vốn…, hình thành rõ nét thương hiệu, sản phẩm đặc trưng nghề chế biến cauthế mạnh của xã trên thị trường xuất khẩu./.