Nhân Ngày thế giới phòng, chống lao (24-3): Phát hiện sớm, điều trị kịp thời
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Hải Phòng nội soi hô hấp cho người bệnh.
(HPĐT)- Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra hết sức phức tạp, chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao (24-3) năm nay của Việt Nam tập trung vào nội dung “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Đây là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Không được phát hiện, điều trị sớm
Khoảng 10 giờ sáng 13-3, ông Nguyễn Văn Oánh, 54 tuổi, ở xã Tân Tiến (huyện An Dương) được người thân đưa vào Bệnh viện Phổi Hải Phòng trong tình trạng mệt mỏi, ho có đờm và máu. Sau khi làm các xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán ho ra máu, theo dõi do lao phổi/đái tháo đường, được điều trị tích cực. Đến chiều 15-3, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt hơn, ho giảm và khi ho không ra máu. “Trước đây, bố em đi khám sức khỏe ở phòng khám tư nhân, có chụp X-quang và được kết luận là bị tổn thương phổi. Tuy nhiên, do lo ngại lây nhiễm COVID-19 nên gia đình em chần chừ không đưa đi bệnh viện điều trị kịp thời”, chị Nguyễn Thị Ly Ly, con gái người bệnh cho biết.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đức Nguyên, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện Phổi Hải Phòng), hiện khoa đang điều trị 26 người bệnh, trong đó phần lớn có triệu chứng rõ ràng như ho ra đờm có máu. Về ảnh hưởng của việc phát hiện lao muộn, bác sĩ Nguyên cho biết, người bệnh có thể tạo nguồn lây dai dẳng trong cộng đồng do có biểu hiện kéo dài nhưng không được phát hiện kịp thời. Hơn nữa, việc phát hiện muộn gây khó khăn trong công tác điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh và có thể để lại các di chứng như ho ra máu kéo dài, xơ phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Bác sĩ Nguyên khuyên người bệnh khi có triệu chứng ho khạc đờm kéo dài 7 ngày điều trị kháng sinh thông thường không đỡ nên đi khám chuyên khoa lao.
Theo thống kê của Chương trình chống lao Hải Phòng, dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượng người bệnh mắc lao đến khám giảm đến 50-70% ở nhiều nơi. Tại Hải Phòng, còn khoảng hơn 20% số người mắc lao trong cộng đồng (ước tính theo dịch tễ) chưa phát hiện. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa trị tại nhà, tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, có thể tác động đến tất cả đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao. Số lượng người bệnh tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình chống lao cũng không được diễn ra, nên tình hình phát hiện người bệnh công tác điều trị, bảo đảm việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, người bệnh lao tái khám, lĩnh thuốc,… đều không được thực hiện chính xác và đầy đủ. Từ đó, khó bảo đảm kế hoạch tiến độ thực hiện các chỉ tiêu về phát hiện, điều trị người bệnh, hướng đến năm 2030 thanh toán bệnh lao của Việt Nam.
Không gián đoạn điều trị bệnh lao
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Ngọc Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Phòng, hoạt động chống lao của thành phố đang gặp những khó khăn. Đó là, sự đầu tư của nhà nước còn hạn chế, kinh phí chống lao chủ yếu từ nguồn tài trợ của nước ngoài; chế độ, chính sách chưa khuyến khích cán bộ, nhân viên ở các cấp làm công tác phòng, chống lao. Lao kháng đa thuốc (MDR-TB) và siêu kháng thuốc (XDR-TB) đang gia tăng nhanh mà Hải Phòng có tỷ lệ MDR-TB cao so với các địa phương trong cả nước (ước tính 4% trong tổng số người bệnh lao thu nhận). Lao/HIV giảm so với những năm trước nhưng việc phát hiện và quản lý điều trị còn gặp nhiều khó khăn do đây là nhóm người bệnh khá phức tạp. Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, diễn biến phức tạp đại dịch COVID-19 khiến nhiều đơn vị làm công tác phòng, chống lao lâm vào tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình, một số hoạt động tại đơn vị còn chưa thể triển khai theo kế hoạch. Riêng với Bệnh viện Phổi Hải Phòng - nơi khám và điều trị chuyên khoa bệnh lao và bệnh phổi phải dành cơ sở vật chất, nhân lực tham gia điều trị người bệnh mắc COVID-19...
Nhận thấy sự cấp bách trong việc mở rộng quy mô phát hiện và điều trị bệnh lao trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Chương trình chống lao thành phố đề ra kế hoạch phát hiện người bệnh lao năm 2022. Cụ thể, gồm: phát hiện 1.722 người bệnh lao các thể, 80-90 người bệnh lao/HIV, 88 người bệnh lao kháng thuốc, tăng cường sàng lọc lao trẻ em trong nhóm tiếp xúc hộ gia đình, điều trị lao sơ nhiễm, lao tiềm ẩn và làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn lao tại tất cả các cơ sở chống lao. Để đạt được kế hoạch kể trên, chương trình phòng, chống lao thành phố và các quận, huyện tập trung vào các hoạt động như phát hiện hơn 70% người bệnh lao mới theo dịch tễ; tăng cường công tác phát hiện người bệnh MDRTB, XDR-TB; tăng cường công tác phát hiện, quản lý lao trẻ em và khám sàng lọc lao cho trẻ em tiếp xúc với nguồn lây; mở rộng sử dụng kỹ thuật xét nghiệm GeneXpert trong chẩn đoán bệnh lao, lao kháng thuốc có hiệu quả... Muốn vậy, ngoài việc tăng cường đầu tư kinh phí hoạt động phát hiện và quản lý điều trị, công tác phí cho cán bộ, nhân viên y tế chuyên khoa lao từ thành phố đến cơ sở, Chương trình chống lao quốc gia, Sở Y tế đầu tư, nâng cấp phòng xét nghiệm của thành phố, các quận, huyện; trang bị hệ thống xét nghiệm chẩn đoán nhanh bệnh lao, chẩn đoán lao kháng thuốc và bảo đảm cung ứng thuốc chống lao đầy đủ./.