Ổn định quan hệ lao động: Tăng cường đối thoại, bảo đảm phúc lợi
Thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt thông tin từ người lao động, cán bộ công đoàn sẽ tham mưu giúp doanh nghiệp giải quyết sớm những vấn đề bức xúc.
Trong ảnh: Cán bộ công đoàn các cấp gặp gỡ công nhân tại Công ty TNHH Nam Thuận (huyện Thủy Nguyên).
(HPĐT)- Qua một số vụ ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp gần đây cho thấy, một trong những nguyên nhân gây bất ổn trong quan hệ lao động giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) chính là thiếu sự thấu hiểu và chia sẻ. Điều này bắt nguồn từ việc DN hạn chế tổ chức đối thoại, không nắm được tâm tư, nguyện vọng NLĐ, chế độ phúc lợi không bảo đảm.
Nhiều bức xúc dồn nén
Liên tiếp cuối tháng 3 vừa qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày. Đó là, công nhân Nhà máy giày Tam Cường tại huyện Vĩnh Bảo, thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng và công nhân Công ty TNHH đầu tư Oanh Vân trên địa bàn huyện Tiên Lãng. Cả 2 vụ ngừng việc tập thể đều có nhiều NLĐ tham gia, kéo dài 4-9 ngày. Nguyên nhân của các vụ ngừng việc liên quan đến thực hiện chế độ lương, phúc lợi xã hội của DN đối với NLĐ còn thấp, ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của NLĐ và quyền lợi về bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn-bệnh nghề nghiệp). Như tại Nhà máy giày Tam Cường, công nhân phản ánh bữa ăn ca chỉ 12 nghìn đồng/bữa, duy trì trong nhiều năm nay. Mức ăn này là quá thấp so với giá của các loại thực phẩm hiện nay, so với mặt bằng chung nhiều doanh nghiệp, bữa ăn với giá trị như vậy không đủ chất dinh dưỡng để NLĐ tái tạo sức khỏe. Người lao động cũng đề nghị chủ doanh nghiệp hỗ trợ tiền xăng xe, tăng phụ cấp thâm niên... Còn tại Công ty TNHH đầu tư Oanh Vân, công nhân đề nghị chủ doanh nghiệp tăng lương cơ bản, tăng hỗ trợ tiền xăng xe, độc hại, bữa ăn ca và đóng đầy đủ bảo hiểm đối với NLĐ. Trước đó, năm 2021, trên địa bàn thành phố cũng xảy ra 2 vụ ngừng việc tập thể liên quan đến chủ DN nợ bảo hiểm xã hội và phúc lợi của NLĐ chưa tốt.
Một trong những nguyên nhân khiến NLĐ ngừng việc tập thể là do chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa chủ DN và NLĐ, tổ chức công đoàn và NLĐ. Tại Nhà máy giày Tam Cường, nhiều năm qua, người sử dụng lao động không tổ chức đối thoại với NLĐ, do đó, nhiều tâm tư, nguyện vọng của NLĐ không được lãnh đạo DN ghi nhận kịp thời, giải quyết thỏa đáng. Công đoàn cơ sở nơi đây cũng chưa kịp thời nắm được tâm tư của NLĐ nên không có sự chia sẻ, tham mưu lãnh đạo DN giải quyết kiến nghị của NLĐ. Tại Công ty TNHH đầu tư Oanh Vân có khoảng 900 lao động, nhưng chưa có tổ chức công đoàn.
2 năm qua, nhiều DN lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên không định kỳ tổ chức đối thoại với NLĐ theo quy định. Tuy nhiên, lý do này chưa thỏa đáng, bởi để nắm được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, lãnh đạo DN có thể thực hiện thông qua hội nghị, qua các đại diện phân xưởng, tổ sản xuất, tổ trưởng công đoàn, ban chấp hành công đoàn, thậm chí có thể thông qua các hội, nhóm, mạng xã hội để qua đó lắng nghe ý kiến của NLĐ… Chính những bức xúc dồn nén không được giải quyết gây bất ổn quan hệ lao động khiến DN phải giải quyết hậu quả.
Quan tâm phúc lợi thỏa đáng
Theo Phó trưởng ban Chính sách- Pháp luật LĐLĐ thành phố Nguyễn Quốc Khánh, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để ổn định quan hệ lao động là thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, DN định kỳ tổ chức đối thoại với NLĐ để lắng nghe ý kiến, tâm tư, đề xuất của NLĐ và giải quyết thỏa đáng các yêu cầu chính đáng. Trong thời điểm các DN đều thiếu lao động như hiện nay, việc tuyển lao động khó khăn và mức thu nhập tại các khu công nghiệp khá cạnh tranh, nếu DN không có chế độ phúc lợi thỏa đáng thì nguy cơ cao NLĐ sẽ “nhảy việc”. Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt thông tin, tâm tư, tình cảm của NLĐ cũng như nguyện vọng, kiến nghị, từ đó kịp thời tham mưu với DN tổ chức gặp gỡ NLĐ, lắng nghe và chia sẻ, giải tỏa những bức xúc của công nhân. Lãnh đạo DN cũng tăng cường các “kênh” tiếp nhận thông tin, ý kiến NLĐ để kịp thời giải quyết, tránh tình trạng NLĐ bị dồn nén lâu ngày.
Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương Nguyễn Công Hòa cho biết, sau khi xảy ra ngừng việc tập thể, cơ quan chức năng vào cuộc, các cấp công đoàn tổ chức thương lượng với chủ sử dụng lao động giải quyết các yêu cầu công nhân nêu ra. Hầu hết sau thương lượng đều đạt kết quả tốt, DN hợp tác giải quyết cơ bản các kiến nghị của NLĐ. Như lãnh đạo Nhà máy giày Tam Cường đồng ý hỗ trợ tiền xăng xe 150 nghìn đồng/tháng cho toàn thể cán bộ công nhân viên, điều chỉnh tiền thâm niên của NLĐ từ làm việc đủ 6 tháng đến đủ 20 năm trở lên, suất ăn ca được tăng từ 12.000 đồng/suất lên 15.000 đồng/suất. Lãnh đạo Công ty TNHH Oanh Vân tăng tiền lương cơ bản thêm 230.000 đồng/tháng, tăng tiền độc hại từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng/ tháng, tăng tiền ăn từ 18.000 đồng/bữa lên 20.000 đồng/bữa….
Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Đào Trọng Trung cho biết, việc ổn định quan hệ lao động trong DN cần nỗ lực từ cả DN và hệ thống công đoàn, trong đó đặc biệt chú trọng việc đối thoại định kỳ của DN theo quy định của pháp luật, công đoàn tăng cường nắm bắt thông tin, tham mưu DN giải quyết các yêu cầu chính đáng của NLĐ, tránh để NLĐ quá bức xúc dẫn đến ngừng việc tập thể, khi đó, để giải quyết hậu quả DN sẽ “thiệt đơn, thiệt kép”./.