Quan tâm nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều
Đơn vị thi công công trình cống Trạm Bạc tại huyện An Dương.
(HPĐT)- Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 năm qua, toàn thành phố đầu tư nâng cấp gần 200 km đê cấp 3, cấp 4 theo hình thức kiên cố hóa bằng bê tông, hoặc trải nhựa. Tuy nhiên số tuyến đê của thành phố xuống cấp, xung yếu còn khá lớn, cần sớm được đầu tư nâng cấp hoàn thiện.
Nhiều tuyến đê xung yếu được nâng cấp
Những năm trước, tuyến đê hữu sông Luộc dài gần 7 km chạy qua địa bàn các xã: Giang Biên, Dũng Tiến, Việt Tiến, Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo) cao trình thấp, mặt cắt không bảo đảm quy định, nhiều vị trí xuống cấp, mặt đê thùng vũng lầy lội, nhiều vị trí bị sạt lở, nguy cơ mất an toàn công trình đê điều. Năm 2020, bằng nguồn vốn trung ương, tuyến đê được đầu tư, nâng cấp, bê tông hóa rộng 6 m; 2 bên mặt đê được đắp lề rộng thêm 50-90 cm, trồng cỏ bảo vệ mái đê. Đến nay, tuyến đê hoàn thiện, đưa vào khai thác sử dụng, tạo thuận lợi, an toàn đối với người dân địa phương; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho địa phương. Trước đó, hơn 3 km tuyến đê hữu Thái Bình (đoạn từ xã Vĩnh An-Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo) cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp trải nhựa kết hợp làm đường giao thông rộng 6 m, góp phần hoàn thiện hệ thống đê điều trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, đồng thời kết nối giao thông giữa các xã trong khu vực huyện; thúc đẩy phát triển sản xuất các địa phương ven sông Thái Bình.
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong những năm qua, hệ thống đê điều thành phố được trung ương, địa phương quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp, từng bước xóa dần trọng điểm đê điều xung yếu. Bằng các nguồn vốn của trung ương và địa phương, toàn thành phố có gần 200 km đê cấp 3, đê cấp 4 được nâng cấp. Trong đó, tập trung nhiều ở các quận, huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão, An Dương, Thủy Nguyên, Dương Kinh, Cát Hải. Tuy nhiên, do tác động của thiên tai, công trình bị hư hỏng xuống cấp còn khá nhiều. Theo đánh giá hiện trạng đê điều trên địa bàn thành phố trước mùa bão, lũ năm 2021, toàn thành phố hiện có 82,56 km đê kém ổn định; 9,8 km đê xung yếu; 22,08 km kè kém ổn định; 5,07 km kè xung yếu; 114 cống dưới đê kém ổn định; 58 cống dưới đê xung yếu không bảo đảm an toàn nằm trong diện các công trình cấp bách cần được cải tạo, nâng cấp kịp thời. Đơn cử, tuyến đê hữu Văn Úc, đoạn từ K2+600- K5+500 đi qua địa bàn xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng hiện trạng cao trình mặt đê chỉ đạt +3,9 m, chiều rộng mặt đê 4,5-5 m chưa bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế; mặt đê chưa được gia cố nên lồi lõm, không bảo đảm an toàn đê điều, khó khăn cho công tác phòng, chống lụt bão và ứng cứu hộ đê khi có sự cố. Hay như tuyến đê biển 1, đoạn qua địa bàn các phường Anh Dũng, Hải Thành (quận Dương Kinh), hiện trạng cao trình mặt đê chỉ đạt +3,9-4,1 m, chiều rộng mặt đê 3 -5 m, không bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế, mất an toàn đê điều…
Quan tâm nâng cấp công trình đê điều
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát hiện trạng đê điều, đặc biệt là các tuyến đê biển, đê cửa sông từ cấp 3 trở lên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất danh mục ưu tiên đầu tư các công trình đê điều thuộc Dự án Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai vùng ven biển Việt Nam- gồm các tuyến: Tuyến đê tả sông Hóa, hoàn thiện mặt cắt, bê tông cứng hóa mặt đê với chiều dài 7,226 km, xây dựng lại 1 cống xung yếu; Tuyến đê hữu sông Thái Bình, hoàn thiện mặt cắt, bê tông cứng hóa mặt đê với chiều dài 7,608 km, xây dựng lại 1 cống xung yếu; Tuyến đê tả sông Văn Úc, hoàn thiện mặt cắt, bê tông cứng hóa mặt đê với chiều dài 9,701 km, xây dựng lại 2 cống xung yếu; đồng thời tiếp tục triển khai dự án tạo bãi trồng cây chắn sóng đê biển 1, đoạn từ K11+500 đến K12+700. Tổng kinh phí đầu tư các công trình dự kiến 400 tỷ đồng.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát, lập báo cáo chủ trương đầu tư đề xuất UBND thành phố trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh mục các công trình đê điều cần đầu tư bảo đảm yêu cầu chống lũ theo thiết kế. Trong đó, sẽ tiến hành hoàn thiện mặt cắt, bê tông cứng hóa mặt đê 8 tuyến đê với tổng chiều dài gần 60 km gắn với đầu tư xây dựng lại 54 cống dưới đê ở các huyện An Lão, An Dương, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 700 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Bá Tiến, Chỉ cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai, danh mục các công trình đê điều đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình UBND thành phố, Ban quản lý trung ương các dự án thủy lợi (CPO); trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho ý kiến.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đỗ Gia Khánh cho biết, nếu các công trình đê điều trên được các cấp quan tâm đầu tư thực hiện thì đến hết năm 2022, Hải Phòng cơ bản giải quyết được bài toán xóa bỏ công trình đê điều xung yếu và một phần công trình đê điều kém ổn định, từng bước cứng hóa các tuyến đê trên địa bàn thành phố bằng bê tông hóa, trải nhựa theo tiêu chuẩn thiết kế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiến tới hiện đại hóa hệ thống đê điều để có thể chịu đựng được bão lũ từ cấp 10, cấp 11 trở lên, hạn chế tác động của thiên tai đối với đời sống người dân các địa phương. Vì thế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn mong muốn thành phố, các cơ quan trung ương quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện theo danh mục các công trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất./.