Xuân đến nơi phên dậu Tổ quốc (Kỳ 2)
Kỳ 2: “Mắt thần” canh biển, gác trời
Vùng biển Tây Nam có diện tích khoảng 105.000 km2 với hơn 150 đảo, trong đó các đảo tiền tiêu quan trọng như: Hòn Đốc, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Thổ Chu, Nam Du… Các trạm ra-đa “cắm chốt” trên đảo là những “mắt thần” quan trọng trong việc giám sát, bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Dù có nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn quyết tâm cao, giữ vững “cánh sóng” ra-đa, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong gian khó càng vững vàng, quyết tâm
Cùng đi trên con đường dốc thẳng đứng di chuyển lên đảo Hòn Chuối, thiếu tá Phùng Sỹ Chương, Trạm trưởng Trạm ra-đa 615 chia sẻ với đoàn công tác, “Mặc dù là lính hải quân, làm nhiệm vụ ở đảo xa nhưng chúng tôi thường gọi vui với nhau là “lính hải quân trên núi”, vì điểm đóng quân của các trạm ra-đa thường trên các điểm núi cao”.
Theo lời giới thiệu của anh Chương, đảo Hòn Chuối có diện tích khoảng 7 km2, điểm cao nhất so mực nước biển gần 170 m, độ dốc cao, vách đá dựng đứng, cheo leo. Đường lên đảo là những bậc thang mấp mô, các phương tiện giao thông như xe máy, xe đạp không có tác dụng trên đảo này. Cả đảo chỉ có một chiếc máy cày hỗ trợ vận chuyển vật liệu xây dựng, còn các loại hàng hóa khác đều phải chuyển bằng sức người. Để lên được đảo, cách thức duy nhất là đi bộ, leo dốc. Đoàn công tác ra thăm đảo có dịp được thử sức bền, độ dẻo dai khi đến đảo Hòn Chuối. Vượt qua hơn 300 bậc thang đá và đoạn đường mòn dốc, các thành viên cũng leo đến Trạm ra-đa 615, ai nấy đều “mệt bở hơi tai”. Nhưng đối với cán bộ, chiến sĩ ở trạm, đây là đường đi hằng ngày để vận chuyển nhu yếu phẩm cho đơn vị. Không chỉ gặp khó khăn trong việc đi lại, trên đảo còn khan hiếm nước ngọt vào mùa khô, khi mưa đường trơn trượt, nguy hiểm. Với tinh thần “bám biển, bám đảo”, cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 615 luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm “nhanh, xa, đúng, đủ”, trực chiến 24/24, giữ vững cánh sóng ra-đa để theo dõi, kịp thời phát hiện hoạt động của các loại tàu, thuyền xâm nhập trái phép vào vùng biển nước ta.

Tưởng đường khó đi chỉ có ở Hòn Chuối, nhưng khi đến Nam Du, đoàn công tác càng thêm “choáng ngợp” vì cũng không kém. Quần đảo Nam Du cách thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) khoảng 100 km về hướng Đông Bắc, gồm 21 đảo lớn, nhỏ, trong đó 11 đảo có dân sinh sống với 2 đơn vị hành chính cấp là xã An Sơn và xã Nam Du. Hiện, trên 2 xã đảo của quần đảo Nam Du có hơn 1.100 hộ dân với hơn 4.100 nhân khẩu. Trên đảo có các đơn vị quân đội và dân sự đang đóng quân như: Trạm ra-đa 600, Bộ đội biên phòng, Trạm Hải đăng Nam Du. Để đến được Trạm ra-đa 600, đoàn công tác phải đi qua con đường rừng hơn 3 km, nhiều đoạn hun hút, dốc thẳng đứng. Suốt đường đi, gần như xe máy chỉ có thể cài số 1, tiếng động cơ gầm rú, xe giật liên hồi, ống xả khói cuộn đen, khét lẹt, có lúc tưởng chừng như chiếc xe máy như đang “hụt hơi”.

Thiếu tá Đinh Quốc Chơn, Trạm trưởng Trạm ra-đa 600 cho biết, đơn vị đóng quân trên điểm cao 309 m so với mặt nước biển nên việc đi lại vất vả hơn. Không những thế, thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt, mùa mưa sấm sét nhiều, thường xuyên đánh trực tiếp xuống trạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; về mùa khô thiếu nước sinh hoạt… Song, với sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của chính quyền, nhân dân trên đảo, cán bộ, chiến sĩ nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2024, đơn vị quan sát, phát hiện được gần 38.300 mục tiêu, thông tin liên lạc, đường truyền luôn bảo đảm thông suốt, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện sát với điều kiện, nhiệm vụ của trạm và làm chủ các khí tài ra-đa VRS-CSX. Đến nay, 100% số cán bộ, chiến sĩ làm chủ, sử dụng tốt các loại khí tài có trong biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm trong tình hình mới. Trên các đảo Hòn Đốc, Hòn Khoai, Thổ Chu, cán bộ, chiến sĩ các trạm ra-đa đều nêu cao tinh thần sẵn sàng nhận, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ chính là những đôi “mắt thần” kiên cường của biển, từng phút, từng giây giữ yên vùng biển, vùng trời Tổ quốc.
Những người canh biển
Không chỉ là cách ví von đối với cán bộ, chiến sĩ các trạm ra-đa, mà trên tuyến đảo Tây Nam, “mắt thần” còn gợi nhắc đến những ngọn hải đăng. Và một trong những ngọn hải đăng mà đoàn công tác mong chờ được chiêm ngưỡng nhất là hải đăng Hòn Khoai, bởi đây là ngọn hải đăng cổ từ thời Pháp thuộc, đến nay đã 126 năm tuổi. Trên điểm cao 284 mét của đảo Hòn Khoai, ngọn hải đăng hiên ngang nổi bật giữa bầu trời xanh ngắt. Tháp đèn cao 15,7 m vượt lên từ mặt đảo, được xây bằng đá, trát bằng xi măng, rất vững chãi và là cột mốc quan trọng khẳng định chủ quyền vùng lãnh hải Tây Nam. Đèn có công suất phát sáng bán kính khoảng 27 hải lý, nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ - Côn Đảo - Hòn Khoai - Phú Quốc. Những năm qua, ngọn hải đăng cần mẫn chiếu sáng trong đêm, hỗ trợ tàu thuyền lưu thông tránh những bãi cạn, bãi đá ngầm nguy hiểm, định hướng cho tàu thuyền ra, vào bến an toàn.

35 năm làm nghề “phu đèn”, ông Huỳnh Văn Hà (quê Thái Bình), nhân viên Trạm hải đăng Hòn Khoai từng đi một vòng, làm việc trên 7 đảo ở Cà Mau rồi lại quay về hải đăng Hòn Khoai như “định mệnh” sắp đặt gắn bó với nơi đây. Ông Hà kể lại: Những ngày đầu, anh em phải đi bộ hơn 1 cây số để gánh dầu từ bến lên đảo chạy máy phát điện thắp sáng hải đăng. Nhưng giờ có điện năng lượng mặt trời, anh em nhà đèn đỡ vất vả hơn. Dưới bàn tay vận hành của những người gác đèn, ánh sáng từ ngọn hải đăng chỉ đường cho tàu thuyền trên biển hầu như chưa bao giờ tắt trong đêm, luôn bảo đảm sáng đèn từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. “Chỉ có một lần hải đăng bị sét đánh trong mùa mưa bão khiến đèn chính gặp sự cố, nhưng anh em có đèn phụ thay thế ngay trong lúc chờ sửa chữa” - ông Hà kể.
Không chỉ là “mắt thần” chỉ đường cho tàu thuyền hàng trăm năm qua, ngọn hải đăng trăm tuổi cũng như chính hòn đảo nhỏ bé này còn có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với người dân Hòn Khoai. Nơi đây gắn liền với cuộc khởi nghĩa do nhà báo, thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo cách đây 85 năm về trước. Tại tháp hải đăng này, ngày 13-12-1940, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển cùng quân, dân ta giành ngọn hải đăng cũng như căn cứ Hòn Khoai từ tay chính quyền thực dân Pháp. Sau đó, dù khởi nghĩa thất bại nhưng ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Hiện, trên Trạm hải đăng Hòn Khoai vẫn vẹn nguyên những dấu tích của cuộc khởi nghĩa năm xưa. Tấm bia ghi dấu sự kiện khởi nghĩa Hòn Khoai dưới chân ngọn hải đăng là cách những nhân viên nhà đèn ghi nhớ lịch sử hào hùng để từ đó ra sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy.

Không chỉ hải đăng Hòn Khoai, các ngọn hải đăng khác trên các đảo Tây Nam cũng đang từng ngày, từng giờ làm tốt nhiệm vụ “soi đường, chỉ lối” cho tàu thuyền ra khơi bình an. Hiện, hải đăng trên tuyến này đều thuộc sự quản lý của Bộ Giao thông - Vận tải. Do điều kiện giao thông khó khăn nên anh em trạm đèn ít khi có cơ hội về thăm nhà. Bởi, từ đảo muốn đi về đất liền thì phải đi nhờ tàu của bộ đội hoặc ngư dân nếu thuận lợi. Mặc dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng mọi người luôn động viên nhau nỗ lực, cố gắng khắc phục để giữ đèn biển luôn sáng.
Qua câu chuyện với anh em bộ đội, nhân viên trạm đèn, ai nấy đều cảm nhận được ý chí bền bỉ, tinh thần kiên cường giữ biển, giữ đảo. Họ rất kiệm lời và không nói nhiều về công việc của mình bởi đó là nhiệm vụ, thế nhưng, trong sâu thẳm mỗi người, khi đã gắn bó với đảo, mỗi cán bộ, chiến sĩ, “phu đèn” đều coi nơi đây là nhà, là quê hương thứ hai của mình. Ngoài nhiệm vụ gìn giữ sự bình yên vùng biển, vùng trời Tổ quốc, họ còn đem theo khát vọng xây dựng vùng đảo tiền tiêu ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, góp phần thu hẹp khoảng cách với đất liền./.
-----------------------
Kỳ 3: Khát vọng ươm mầm nơi đảo xa