Đánh giá, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả

10:08 SA 17/12/2024

(HPĐT)- Năm 2024 là năm đầu UBND thành phố khởi động việc hỗ trợ các lớp đào tạo nghề đối với lao động nông thôn sau khi Quyết định 1956 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực thi hành. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội, bởi phần lớn lao động nông thôn chưa được đào tạo, chưa có kỹ năng nghề cơ bản. Việc đào tạo nghề với lao động nông thôn còn góp phần tích cực nâng cao hiệu suất khai thác, sử dụng quỹ đất nông nghiệp. 

Theo Quyết định số 2284 của UBND thành phố, một số lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm: May công nghiệp, hàn, kỹ thuật trồng khoai tây, bầu, bí, chăn nuôi gà lợn hữu cơ… Tuy nhiên, dù cơ cấu nhóm nghề bảo đảm cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhưng chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn người học. Dẫn chứng là một số địa phương (như huyện An Dương) chưa có người đăng ký học nghề; một số ngành không thu hút người học như ngành hàn…, dù được hỗ trợ chi phí đào tạo. 

Vì vậy, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách ưu đãi của thành phố, đơn vị chủ trì và các cơ quan liên quan cần tiến hành, sơ kết, phân tích, đánh giá rõ hiệu quả sau 1 năm thực hiện. Từ đó có căn cứ rõ ràng để tham mưu UBND thành phố tổ chức lớp dạy nghề đa dạng nhóm nghề hơn, “bắt kịp” nguyện vọng của người học, yêu cầu của thị trường lao động và quy hoạch chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhất là bảo đảm công tác kết nối, giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập đối với trường hợp đã tham gia các lớp đào tạo. Có như vậy, những chủ trương, cơ chế đúng đắn của thành phố mới thực sự thể hiện hiệu quả rõ nét trong cuộc sống. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập