Loại bỏ thuốc lá - loại bỏ thủ phạm gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
(HPCT)- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Thuốc lá chính là thủ phạm gây ra bệnh COPD và nhiều bệnh liên quan đến phổi khác, như: ung thư phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp... Những bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nếu kéo dài, thậm chí còn dẫn đến tử vong.
Thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh
Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp vừa tổ chức thành công hội thảo khoa học “Quản lý hen phế quản và bệnh COPD- góc nhìn chuyên gia từ lý thuyết đến thực hành”, thu hút sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia - bác sĩ, cán bộ y tế trong và ngoài thành phố. Tại hội thảo, nhiều nội dung phong phú được các bác sĩ chuyên khoa hô hấp giàu kinh nghiệm chia sẻ góc nhìn đa chiều, từ lý thuyết đến những thách thức thực tế trong điều trị bệnh, như: ca lâm sàng điều trị hen-kết hợp khuyến cáo và kinh nghiệm; thực trạng lạm dụng SABA và xu hướng trong khuyến cáo điều trị hen; cá thể hóa trong điều trị COPD và vai trò của ICS/LABA… TS.BS Phạm Thị Phương Nam, Trưởng Khoa Nội hô hấp (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) cho biết, hen phế quản và bệnh COPD hiện là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Vì thế, việc quản lý bệnh hiệu quả không chỉ giúp giảm thiểu biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Trên thực tế, bệnh COPD là bệnh lý đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra. Theo TS.BS.Nguyễn Thị Phương Nam, nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà nguyên nhân hàng đầu chính là do sử dụng thuốc lá, thuốc lào quá nhiều (bao gồm cả hít thuốc lá thụ động và chủ động). Về nguyên lý hoạt động, khi khói thuốc đi vào qua miệng người hút thuốc là đã bỏ qua quá trình lọc ở mũi - cơ chế bảo vệ đầu tiên. Ở người hút thuốc bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn do hệ thống lông chuyển bị liệt, thậm chí bị phá hủy. Khói thuốc lá còn làm thay đổi cấu trúc tuyến tiết nhầy cũng như thành phần chất nhầy. Trường hợp tuyến tiết nhầy bị tắc đôi khi khiến khả năng bài tiết đờm bị giảm sút, hậu quả là chất nhầy ở những người hút thuốc dễ bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí. Phổi người hút thuốc thường bị giảm diện tích bề mặt và giảm mao mạch, làm cho dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm, dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho cả nhu môi phổi và các tổ chức khác trong cơ thể. Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng tăng tính đáp ứng đường thở (do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc), gây co thắt đường thở.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, khói thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra căn bệnh COPD. Số liệu cho thấy, khoảng 15% những người hút thuốc lá có triệu chứng lâm sàng với COPD và khoảng 80 - 90% người mắc COPD là nghiện thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh này, dưới tác động của hút thuốc lá cũng trở nên mạnh hơn. Nhất là, so với người không hút thuốc, những người hút thuốc lá dễ bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc hơn. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong do bệnh COPD ở người hút thuốc lá còn cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc.
Cần loại bỏ thuốc lá khỏi cuộc sống của người bệnh
Bệnh COPD gây ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, dẫn đến dấu hiệu và triệu chứng gây khó thở như ho kéo dài, ho có đờm, đường hô hấp nhiễm trùng tái đi tái lại (cúm và cảm lạnh), khó thở (nhất là khi gắng sức), cảm giác thắt chặt ở ngực, thở khò khè, mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh. Một số triệu chứng nặng có thể cần phải điều trị tại bệnh viện, như: người bệnh cảm thấy khó thở đến nỗi không thể nói chuyện được, môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh hoặc màu xám, rơi vào trạng thái lơ mơ, nhịp tim nhanh. COPD có nguy cơ bị các biến chứng sau: rối loạn nhịp tim, suy tim, cao áp phổi, nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi nặng do virus hoặc nấm). Hiện nay, bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn. Chính vì vậy, cách tốt nhất cần làm là phòng ngừa và làm giảm triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện khả năng gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng.
Theo BSCK2. Vũ Ngọc Trường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Phòng, bệnh COPD nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh bị hạn chế trong công việc, lao động, sinh hoạt vì khó thở. Ngoài ra, nếu không điều trị, người bệnh có những đợt bệnh trở nặng gọi là đợt kích phát, làm cho người bệnh khó thở nhiều hơn, có thể dẫn đến nhập viện và tử vong. Vì thế, khi có dấu hiệu mắc bệnh như ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng hãy tìm gặp ngay bác sĩ để có sự tư vấn cụ thể; dùng thuốc tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát của bệnh. Để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh COPD, người bệnh cần thay đổi lối sống và tuân thủ các phương pháp điều trị có thể giúp bản thân giảm triệu chứng, lấy lại khả năng hoạt động bình thường và làm chậm tiến triển của bệnh. Trong đó, bỏ hút thuốc là việc cần làm đầu tiên để tránh kích thích phổi. Ngoài ra, xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ calo, tích cực hoạt động (thường xuyên tập thể dục) cũng là những cách giúp người dân có sức khỏe đầy đủ để chống lại bệnh tật, trong đó có bệnh COPD./.