Thị trường hàng hóa Tết Quý Mão 2023: Nguồn cung dồi dào, giá ổn định

04:13 CH 27/01/2023

 

 

 

Người dân mua sắm tại Siêu thị MM Mega Market Hồng Bàng dịp Tết Nguyên đán 2023. 

 

(HPĐT)- Dịp Tết Quý Mão 2023, do có sự chuẩn bị từ trước nên nguồn cung hàng hóa tại Hải Phòng dồi dào, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết tăng giá nhẹ như: rau củ quả, trái cây, thủy hải sản...

 

Theo thông tin từ Sở Công Thương, do các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết chủ động trước Tết nên dịp Tết Nguyên đán 2023 lượng hàng hóa trên địa bàn thành phố dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm đối với người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn. Một số siêu thị có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết.

 

Về giá cả, cơ bản giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định, một số mặt hàng tăng giá nhẹ tập trung ở các sản phẩm phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như: rau củ quả, trái cây, một số hàng thủy hải sản... Đơn cử như giá các loại gạo tẻ thường từ 16-20 nghìn đồng/kg; gạo chất lượng cao từ 25 - 42 nghìn đồng/kg; giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai, thăn) ở mức 150– 220 nghìn đồng/kg; thịt loại 2 như sấn mông, sấn vai, dao động ở mức 130 - 150 nghìn đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP dao động phổ biến từ: 90-110 nghìn đồng/kg; thịt bò thăn dao động từ 315-350 nghìn đồng/kg; đường bán lẻ ở mức 26-30 nghìn đồng/kg; dầu ăn 60- 65 nghìn đồng/lít; táo nhập khẩu 70-200 nghìn đồng/kg (tùy loại); bưởi hồng da xanh 60-70 nghìn đồng/kg; cam canh 55– 70 nghìn đồng/kg… Tương tự, dù mặt hàng rau xanh được tiêu thụ nhiều nhưng giá bán vẫn giữ như ngày thường. Bắp cải 15-17 nghìn đồng/kg, su hào 10-15 nghìn đồng/củ, cà rốt 15-17 nghìn đồng/kg, cà chua 25- 27 nghìn đồng/kg, rau cải cúc, rau cần 10 -15 nghìn đồng/mớ, xà lách 30-32 nghìn đồng/kg, cần tỏi tây 20-25 nghìn đồng/kg, súp lơ xanh 20-22 nghìn đồng/cây...

 

Hoa tươi, cây cảnh giá tăng nhẹ vào các ngày giáp Tết. Tuy nhiên, đến những ngày cận Tết (từ chiều 29 tháng Chạp âm lịch) giá hoa, cây cảnh có xu hướng giảm so với các ngày trước do nguồn cung phong phú, dồi dào, hoa đẹp, không bị khan hiếm trong khi lượng mua kém hơn so với mọi năm. Đào, quất cảnh năm nay mức giá không cao, bình quân khoảng 400.000- 1 triệu đồng/ cây hoặc cành đào. Những loại đẹp thì có mức giá cao hơn hẳn tuy nhiên số lượng không nhiều. Năm nay, lan hồ điệp được bày bán nhiều với đủ các màu sắc khác nhau, giá khoảng 120.000 - 190.000 đồng/cây; loại đẹp, độc giá lên tới 800.000 đồng/cây; có nhiều chậu lan có mức giá lên tới 20-30 triệu đồng hoặc thậm chí hàng trăm triệu đồng. Hoa lay-ơn do Hải Phòng cung cấp cũng chiếm lĩnh thị trường, giá 150- 200 nghìn đồng/ chục; hoa cúc giá 10 nghìn đồng/bông; hoa ly giá 50-100 nghìn đồng/cành tùy loại. Ngoài ra, còn có một số loại hoa nhập ngoại từ Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan và Ecuador, Hàn Quốc, Mỹ như hoa đuôi chồn, mai Mỹ, địa lan… Các loại hoa này được bán theo chậu hoặc cắm theo lẵng, giá trung bình từ 1 triệu đến 4- 5 triệu đồng, các loại hoa đẹp, chậu lớn có giá hàng chục triệu đồng. Các mặt hàng khác như rượu, bia, bánh kẹo, hàng tiêu dùng… ổn định suốt Tết, nhiều mặt hàng còn giảm giá, rất thuận lợi cho người mua sắm. Đặc biệt, năm nay việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được lực lượng chức năng xử lý nghiêm nên lượng bia, rượu tiêu thụ giảm hẳn, giá cả cũng không nhỉnh hơn so với ngày thường. Nhìn chung, nhu cầu mua sắm năm nay giảm hơn so với các năm trước do suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình phải cân nhắc chi tiêu ngày Tết.

 

Đánh giá chung về đợt phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Phó giám đốc Sở Công Thương Lê Minh Sơn cho biết, thị trường hàng hóa trong những ngày trước và trong Tết tương đối ổn định, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại và chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết. Một số trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa phục vụ nhân dân ngay từ những ngày đầu năm. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, quần áo, bánh kẹo, nước giải khát… có tăng nhẹ nhưng không biến động lớn. Trước đó, Sở Công Thương thường xuyên theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thành phố thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra việc “sốt” giá cục bộ, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; thường xuyên liên hệ với hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ hạng 1, chợ đầu mối, các cửa hàng Winmart+... kịp thời có giải pháp phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo đảm lưu thông hàng hóa, khuyến khích bán hàng phục vụ nhân dân bằng hình thức trực tuyến…/.