“Làm mới” sân khấu bằng nhạc kịch
(HPĐT)- Kế tiếp thành công của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” được tổ chức biểu diễn trên sân khấu thành phố năm 2023, việc Đoàn Ca múa Hải Phòng dàn dựng vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” đã tạo nên những dấu ấn đổi mới mạnh mẽ của sân khấu thành phố hướng đến loại hình nghệ thuật hàn lâm này…
Những bước đi táo bạo
Tháng 6-2024, công chúng yêu nghệ thuật thành phố Cảng mong chờ ngày ra mắt vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” dựa trên nguyên tác văn học cùng tên của cố nhà văn Nguyên Hồng. Trong thời gian 75 phút, vở diễn được kết cấu gồm 3 hồi, 8 cảnh, sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật để “kể” câu chuyện đầy tính nhân văn về những con người “nhỏ bé dưới đáy xã hội”, trong đó khắc họa tính cách quật cường cũng tràn đầy khát khao lương thiện, mong muốn vượt lên hoàn cảnh để đón lấy hạnh phúc cho riêng mình của những Tám Bính, Năm Sài Gòn… dưới ách đô hộ thuộc địa, nửa phong kiến những năm 40 của thế kỷ 20 ở Hải Phòng. Tổng đạo diễn, ThS. Tuyết Minh, “bật mí” thủ pháp ẩn dụ khi dàn dựng “Bỉ vỏ”: Toàn bộ vở diễn như một đoàn tàu đang chạy về phía trước. Ở mỗi toa tàu có thể bắt gặp số phận nhân vật ở trong không gian, hoàn cảnh xã hội đương thời (những năm 1937-1938). Ánh sáng rọi ra từ đoàn tàu le lói như tiếng nói của văn nghệ sĩ, bắt đầu từ nhà văn Nguyên Hồng đến thế hệ hôm nay, bằng văn học nghệ thuật chuyên chở những nhân vật từ ngày xưa đó kết nối đến hiện tại và làm cho giới trẻ cảm nhận được giá trị cuộc sống hôm nay. Khi nhìn vào những sự kiện lịch sử, những đau khổ, đè nén, bức bách, những tận cùng của khát khao vươn lên mà bị dập tắt ấy, chúng ta mới càng quý trọng hạnh phúc mà độc lập, tự do mang lại… Bằng phương thức truyền tải mới mẻ của nhạc kịch, nhiều đổi mới mạnh bạo từ cảnh trí sân khấu, phong cách biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên cho đến những thủ pháp nghệ thuật, vở diễn hứa hẹn mang lại một sức sống mới cho sân khấu truyền thống thành phố Cảng.
Trước đó, số Sân khấu truyền hình tháng 11-2023 ghi dấu ấn tượng với vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” dựa trên tác phẩm văn học của đại văn hào Pháp Victor Hugo được Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng “mang về” sân khấu thành phố. Vở nhạc kịch công diễn ra mắt công chúng đầy lôi cuốn, đặc sắc, hoành tráng với sự tham gia của hơn 150 nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, các thành viên Dàn Hợp xướng Quốc tế Hanoi Voices kết hợp với dàn nhạc giao hưởng trình diễn trực tiếp cùng nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật Hải Phòng. Anh Phạm Anh Tuấn, nhà ở phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) bộc bạch: Tôi thấy mừng khi sân khấu thành phố mạnh dạn tổ chức các chương trình nghệ thuật hàn lâm như vậy. Điều đó cho thấy không chỉ các nghệ sĩ, diễn viên nỗ lực vươn mình để phát triển mà còn nâng cao thị hiếu thẩm mĩ của người dân nói chung, người yêu nghệ thuật nói riêng.
Nỗ lực “làm mới” sân khấu
Nhạc kịch là loại hình nghệ thuật hàn lâm được biểu diễn ở sân khấu lớn và hát dòng nhạc thính phòng opera mang phong cách châu Âu cổ điển, khá phổ biến trên thế giới. Song song với đó, dòng nhạc kịch sân khấu Broadway, quy nạp nhiều thể loại âm nhạc như Jazz, Rock, Rap… và nhiều những thể loại nhạc dành riêng cho Broadway theo phong cách Mỹ, diễn tả nội tâm nhân vật, hoàn cảnh, tính cách nhân vật và mạch câu chuyện bằng âm nhạc. Tại Việt Nam, nhạc kịch cũng được hình thành theo 2 dòng này. Trong đó, những vở nhạc kịch của Nhà hát Tuổi trẻ thiên về hướng Broadway nhiều hơn, còn các vở nhạc kịch dòng thính phòng opera thường được các Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng – Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng. Trên sân khấu thành phố, việc dàn dựng, tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật hàn lâm này còn khiêm tốn.
Với việc mạnh dạn tổ chức biểu diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” theo phong cách thính phòng opera và dàn dựng vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” thiên về phong cách Broadway cho thấy những nỗ lực tự đổi mới của sân khấu thành phố. Để bắt kịp xu hướng thời đại và có những tác phẩm chất lượng cao, các nghệ sĩ, diễn viên của thành phố Cảng phải nỗ lực vượt lên chính mình. Khi vào vai Năm Sài Gòn, NSƯT Đức Hoài, Phó Đoàn Ca múa Hải Phòng bộc bạch, anh phải luyện tập vô cùng vất vả để “tròn vai” vừa hát, vừa diễn, thậm chí cả… nhảy tàu. Ngay cả các biểu cảm của khuôn mặt cho tới hình thể, cách làm chủ vị trí sân khấu cũng giàu cảm xúc. Điều đó cho thấy từng người hát đã yêu và hiểu đến mức “sống” được đời sống của từng nhân vật mình thủ vai. Đơn cử như nghệ sĩ Việt Hải, ca sĩ trẻ của Đoàn Ca múa Hải Phòng, khi vào vai nhân vật "chủ làng chơi", chị phải dành nhiều thời gian tập luyện ở nhà để vừa hát vừa “biến hình” trở thành một chủ làng chơi đanh đá, ghê gớm ở phố ven sông Hải Phòng…
Với quyết tâm nâng tầm sân khấu thành phố trong năm 2024, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai nhấn mạnh, việc đưa các loại hình nghệ thuật hàn lâm kinh điển, nổi tiếng thế giới đến với nhân dân thành phố Cảng sẽ là những “điểm sáng”, góp phần phục vụ không chỉ công chúng thành phố mà còn thu hút người yêu nghệ thuật trong, ngoài nước đến với thành phố và đưa các đoàn nghệ thuật thành phố vươn tới các thị trường mới…