Giải thưởng nhiếp ảnh thế giới Sony 2025: “Bản hòa ca” của sắc màu và cảm xúc
(HPĐT)- Giải thưởng nhiếp ảnh thế giới Sony 2025 (Giải thưởng) là bức tranh sống động phản ánh nhiều sắc màu của thế giới qua góc nhìn đầy nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia. Cuộc thi năm nay ghi dấu ấn bởi những tác phẩm xuất sắc các tài năng trẻ và nghiệp dư, tạo nên không gian sáng tạo đầy phong phú.

Nắm bắt hơi thở cuộc sống
Trong lần tổ chức thứ 18, Giải thưởng thu hút gần 420.000 bức ảnh của nhiều tay máy khắp thế giới. Theo đánh giá của bà Monica Allende – Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng, 30 bức ảnh lọt vào vòng chung kết thể hiện được cá tính độc đáo, cho thấy góc nhìn sâu, chi tiết mà cũng rất tổng quát của những nhiếp ảnh gia về nhiều câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” của xã hội.
Tại hạng mục Kiến trúc và Thiết kế, tác phẩm “Twilight in San Ignacio” của Andre Tezza (Brazil) mở ra một thế giới nơi những ngôi nhà của Belize kiên cường chống chọi với khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt. Qua lăng kính của Tezza, kiến trúc bản địa hiện lên như minh chứng cho sự bền bỉ và thích nghi của con người với thiên nhiên. Cũng quan tâm đến tác động của con người đến thế giới chung quanh, ống kính của Cristóbal Olivares (Chile) đưa người xem tới sa mạc Atacama, nơi các nhà thiên văn học đang vật lộn với tình trạng ô nhiễm ánh sáng để quan sát bầu trời; Alessandro Gandolfi (Italy) sử dụng nhiếp ảnh tĩnh vật để mô tả hệ sinh thái mong manh của biển Wadden, một vùng bãi triều quan trọng của Bắc Âu.
Tại hạng mục Sáng tạo, “Reclaiming the truth” của Julio Etchart và Holly Birtles (Anh) đặt câu hỏi về cách các bảo tàng lưu giữ và trưng bày các hiện vật lịch sử dưới góc nhìn hậu thực dân; trong khi đó, “I am here for you” của Irina Shkoda (Ukraine) lại mang đến thật nhiều cảm xúc từ chính trải nghiệm của cô với tư cách một người tị nạn tại Pháp. Giải thưởng không chỉ tìm kiếm những bức ảnh đẹp mà còn trân trọng những câu chuyện ẩn giấu đằng sau mỗi khung hình.
Góc nhìn mới từ tài năng nghiệp dư
Một trong những điểm đặc biệt làm nên sức hút của Giải thưởng chính là cách cuộc thi này mở rộng cánh cửa chào đón các tài năng nghiệp dư qua hạng mục thi dành cho sinh viên và cả các tác giả dưới 19 tuổi.
Những hành trình và sự chuyển dịch là chủ đề nổi bật trong nhiều tác phẩm của sinh viên được chọn vào vòng chung kết. Trong “Where roads begin to split”, Xingyu Fan (Đại học Nghệ thuật Nam Kinh, Trung Quốc) khắc họa sự hiện đại hóa và làn sóng di cư ở Trung Quốc, qua đó, làm nổi bật sự phân tách giữa cuộc sống đô thị và nông thôn. Albert Słowiński (Học viện Nghệ thuật Szczecin, Ba Lan) theo dấu hành trình của tuyến đường sắt quan trọng ở Mauritania, từ những ngày đầu đến khi trở thành con đường vận chuyển hành khách và quặng sắt từ mỏ Zouérat.
Nhiều dự án khai thác câu chuyện của con người qua không gian sống và những vật dụng gắn bó với họ. “Chaos” của Honorata Kornacka (Đại học Maria Grzegorzewska, Ba Lan) là lời tri ân dành cho bộ sưu tập đồ vật mà bà của cô đã gìn giữ suốt nhiều năm, phản ánh cách chúng tạo nên tâm hồn của ngôi nhà. Ở một bối cảnh khác, “The last day we saw the mountains and the sea của Micaela Valdivia Medina (Học viện ARCOS Professional, Peru) ghi lại cuộc sống thường nhật của những nữ tù nhân tại Chile trong không gian khép kín nơi họ sinh hoạt.
Không có studio hoành tráng hay thiết bị đắt tiền, các nghệ sĩ không chuyên có đôi mắt tinh tế và góc nhìn không bị ràng buộc bởi những quy tắc. Điều này làm phong phú thêm cuộc thi, đồng thời thể hiện rằng nhiếp ảnh không chỉ là đặc quyền của những người được đào tạo bài bản, mà là ngôn ngữ chung của tất cả những ai có đam mê và tình yêu với ánh sáng, màu sắc và khoảnh khắc.