Xã Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên): Sớm đóng cửa bãi rác tạm

10:05 SA 10/04/2020

Bãi rác tạm xã Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường.

 

Bãi rác tập trung của xã Hòa Bình nằm khu vực giáp ranh thôn 1. Bãi rác lộ thiên, chỉ cách khu dân cư khoảng 500 m. Dù bãi rác được xây tường bao ngăn cách với đường đi, nhưng thực tế những túi rác to, nhỏ chất cao ngang đầu người; “vượt tường” lấn chiếm lối đi vào làng của người dân. Tại đây, mùi hôi của rác trộn lẫn với mùi khói khét lẹt, khiến không khí vô cùng ngột ngạt.

Theo phản ánh của các hộ dân, hơn 4 năm nay, hơn chục hộ dân trong thôn 1 đứng ngồi không yên vì bãi rác này. Theo bà Lê Thị Doanh, hộ dân trong thôn cho biết, phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là đốt. Nhưng do rác thải không được phân loại, mỗi khi đốt 10 ngày không hết khói. Khói âm ỉ từ ngày này qua ngày khác, tạo thành thứ mùi khó chịu bao quanh thôn. Trời mưa, nước từ bãi chảy ra chung quanh, ruồi nhặng bu đầy. Nhà nào, nhà nấy phải đóng cửa suốt ngày để tránh mùi. Cực chẳng đã, một số nhà có con, cháu nhỏ phải đưa đi gửi ở trong thôn, tối đến đón về. Nhưng nhiều hôm nửa đêm vẫn phải hít mùi hôi thối từ bãi rác bốc ra. Bà Vũ Thị Huệ bức xúc phản ánh, rác thải chuyển về không được xử lý  ngay, lưu từ ngày này sang ngày khác nên bãi rác quá tải là khó tránh khỏi. Hằng ngày, trên tuyến đường qua bãi rác có nhiều học sinh qua lại để đến trường. Tình trạng này ảnh hưởng sức khỏe của người dân nơi đây, nhất là trẻ em. Nhiều năm nay người dân kiến nghị chính quyền địa phương nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Nguyễn Duy Tuyên, địa phương nắm được phản ánh của người dân và đang cố gắng tìm phương pháp xử lý rác thải tại khu vực để bảo đảm vệ sinh môi trường. Ông Tuyên thông tin thêm, bãi rác này rộng khoảng 7000 – 8000 m2 được đưa vào sử dụng từ lâu. Trước đây, do khu vực nằm ngoài cánh đồng, xa dân cư nên địa phương quy hoạch trở thành bãi rác. Ở gần khu vực này cũng chỉ có một số hộ dân sinh sống. Cũng theo quy định, các bãi rác phải được xây tường bao, có hệ thống thu gom nước, trồng cây xanh... Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế (xã được bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường 120 triệu đồng/năm, trong khi mỗi quý địa phương chi khoảng 40 triệu đồng để thuê máy san ủi, chôn lấp rác nên phương pháp xử lý rác chưa triệt để khiến lượng rác thải tồn đọng. Cũng do hạn hẹp về kinh phí nên bãi rác không được lót đáy chống thấm, chưa có hệ thống thu gom nước rỉ rác; rác thải chủ yếu được xử lý theo hình thức phun thuốc diệt côn trùng, khử mùi, đốt, san ủi. Vì thế, khó tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của huyện là đóng cửa tất cả bãi rác tạm trên địa bàn, địa phương phấn đấu trong năm nay đóng cửa bãi rác tạm này. Hiện nay, xã xây dựng hai phương án để đóng cửa bãi rác. Hoặc triển khai xây dựng lò đốt rác tại khu vực hoặc trong trường hợp khu xử lý chất thải rắn Gia Minh hoàn thiện sẽ di chuyển rác thải của xã về khu vực để xử lý.