Bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến
(HPĐT)- Mới đây, Quốc hội Australia thông qua luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên nước này sử dụng mạng xã hội từ cuối năm 2025. Từ đây, làn sóng kêu gọi chính phủ các quốc gia cần có những biện pháp quyết liệt tương tự đang lan rộng, nhằm bảo vệ trẻ em trong môi trường trực tuyến.
Những hệ lụy đáng lo ngại
Sự xuất hiện của mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, Instagram, Twitter…) phản ánh xu hướng phát triển tất yếu của xã hội trong bối cảnh internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Không có gì ngạc nhiên khi trẻ em cũng tham gia các trang mạng xã hội này. Trẻ em không chỉ kết nối bạn bè, mà còn mở rộng cánh cửa khám phá những nguồn tri thức vô tận. Tuy nhiên, tiếp cận các mạng xã hội khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để nhận diện và phòng tránh những rủi ro tiềm ẩn, khiến trẻ em trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, thậm chí trở thành nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trong môi trường trực tuyến.
Theo cảnh báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 30% số trẻ em và thanh thiếu niên tại 30 quốc gia được khảo sát trên thế giới từng phải trải qua những trải nghiệm tiêu cực từ môi trường trực tuyến, trong đó có đến 20% trong số này phải bỏ học vì bị bắt nạt trực tuyến. Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) còn cho thấy hơn 50% số trẻ em trong độ tuổi từ 9 - 16 tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) từng là nạn nhân của các hình thức bắt nạt trực tuyến hoặc tiếp xúc với những nội dung không phù hợp. Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, hơn 60% số cha mẹ tại Mỹ lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với con cái họ, trong khi hơn 1/4 số trẻ em từ 8-12 tuổi từng bị bắt nạt trực tuyến.
Theo các chuyên gia, việc lạm dụng mạng xã hội nói riêng và internet nói chung sẽ khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng tới não bộ và trí nhớ giảm sút. Thể chất của trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề và rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ. Thậm chí, nghiện mạng xã hội có thể sẽ khiến tâm trạng trẻ trở nên bất ổn; thậm chí rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn hành vi.
Cần sự quyết liệt
Ngày 29-11, Quốc hội Australia thông qua luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên nước này sử dụng mạng xã hội từ cuối năm 2025. Đây là luật đầu tiên trên thế giới và được thông qua với sự ủng hộ của cả 2 đảng lớn ở quốc gia châu Đại Dương này. Theo luật, các công ty truyền thông xã hội có thể bị phạt tới 50 triệu AUD (33 triệu USD) nếu không thực hiện "các biện pháp hợp lý" để những người dưới 16 tuổi tránh xa các nền tảng của họ. Tuy nhiên, không có hình phạt nào đối với những người trẻ tuổi hoặc cha mẹ vi phạm luật. Các công ty truyền thông xã hội cũng sẽ không thể buộc người dùng cung cấp giấy tờ tùy thân do Chính phủ cấp, bao gồm cả thẻ căn cước kỹ thuật số, để xem tuổi của họ.
Australia không phải nước duy nhất trên thế giới thắt chặt quyền truy cập của trẻ em vào các mạng xã hội. Pháp đã ban hành luật cấm trẻ dưới 15 tuổi sử dụng nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Na Uy, Ðức, Bỉ, Italy cũng giới hạn độ tuổi trẻ em đăng ký tài khoản trên mạng xã hội, kèm quy định có sự đồng ý của cha mẹ. Hàn Quốc áp dụng "hệ thống tắt máy" để hạn chế trẻ vị thành niên truy cập vào các trò chơi trực tuyến vào ban đêm, giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với bạo lực trực tuyến và hạn chế nghiện game. Tại Nhật Bản, Luật Phòng ngừa bắt nạt trực tuyến được ban hành để giúp các nạn nhân yêu cầu xóa các nội dung có hại trên mạng. Trung Quốc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội và các công ty trò chơi trực tuyến phải thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm xác minh độ tuổi và giới hạn thời gian sử dụng dịch vụ đối với người dưới 18 tuổi. Tại Việt Nam, Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018... đều có quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Năm 2019, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thống nhất thông qua Tuyên bố ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến.
Tuy nhiên, với việc đặt giới hạn độ tuổi cao là 16 tuổi và không chấp nhận ngoại lệ, Australia đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn bất cứ nước nào. Giáo sư Uri Gal tại Trường đại học Sydney (Australia) nhấn mạnh, giới hạn trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội là bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần của các em. Do đó, hành động như của Australia cần được nhiều nước xem xét để áp dụng.
Không thể phủ nhận mạng xã hội mang lại một số lợi ích cho trẻ em, như giải trí, cập nhật tin tức, duy trì kết nối với bạn bè, song cũng kéo theo những tác hại khôn lường. Do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, chính phủ các nước cần có những hành động quyết liệt hơn để đặt ra tiêu chuẩn mới về trách nhiệm xã hội của các công ty công nghệ, đồng thời cần sự phối hợp trong các nỗ lực đa phương để thiết lập "tấm khiên" bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ từ môi trường trực tuyến.