Hướng AI đến mục đích phục vụ con người
(HPĐT)- Hội nghị toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) trong hai ngày 27 và 28-3, tập trung vào vấn đề quản lý AI trong quốc phòng và an ninh. Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan ngại và yêu cầu sự tham gia toàn diện và đa ngành bằng cách thúc đẩy đối thoại và hợp tác cởi mở.

Xuất hiện nhiều cảnh báo
Hội nghị toàn cầu về AI tập trung vào vấn đề an ninh và đạo đức thu hút các phái đoàn ngoại giao tại Geneva và cộng đồng nhiều bên liên quan, gồm các chuyên gia học thuật, tổ chức xã hội, đại diện ngành và phòng thí nghiệm nghiên cứu quan tâm đến quản lý AI trong quốc phòng và an ninh. Các đại biểu tham dự hội nghị chung nhận định, AI có sức ảnh hưởng lớn tới nền hòa bình, an ninh quốc tế, khi ngày càng có nhiều lời cảnh báo về nguy cơ công nghệ tiên tiến này bị lợi dụng để tiến hành các cuộc chạy đua vũ trang, dẫn tới hậu quả khôn lường.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo đang định hình lại sâu sắc cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp. Nó có thể giúp thúc đẩy tiến bộ và thịnh vượng cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, AI không được quản lý cũng gây ra những rủi ro chưa từng có - từ thông tin sai lệch đến tấn công mạng đến giám sát hàng loạt. Không nơi nào những mối nguy hiểm này nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực quân sự. Các cuộc xung đột gần đây trở thành nơi thử nghiệm đáng báo động, với các ứng dụng AI thách thức luật nhân đạo quốc tế và gây hại cho dân thường".
Làn sóng bạo lực vừa qua ở các tỉnh ven biển Latakia và Tartus của Syria, với việc kẻ xấu lợi dụng AI để “đổ thêm dầu vào lửa” là ví dụ cho nhận định trên. Theo các nhà nghiên cứu tại tổ chức xác thực thông tin Verify-Sy, cơn bão thông tin sai lệch đã diễn ra tại Syria. Verify-Sy nhận thấy tình trạng gia tăng sử dụng AI để thao túng cảnh quay, thay đổi giọng nói nhằm tạo ra các nội dung sai lệch, kích động bạo lực lan tràn trên không gian mạng. Thực tế các cuộc xung đột gần đây ở Ukraine, Trung Đông cho thấy việc ứng dụng AI khiến các hệ thống vũ khí trở nên thông minh tới mức có khả năng tự tìm kiếm, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu mà không cần sự tham gia của con người.
Cần sự hợp tác
Thời gian qua, AI đang “len lỏi” vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh doanh, giáo dục, y tế, nông nghiệp… Công nghệ này phát huy vai trò như công cụ hữu hiệu để thúc đẩy hòa bình. Theo các chuyên gia, với khả năng phân tích dữ liệu về các cuộc xung đột trước kia, AI có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu xung đột, qua đó, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra chiến tranh từ sớm, từ xa. Nhờ ứng dụng AI, các mô hình dự báo thiên tai, bão lụt cũng có độ chính xác cao hơn. Trong lĩnh vực quân sự, ứng dụng robot AI trong các nhiệm vụ nguy hiểm như: rà phá, xử lý bom mìn có thể giúp giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ và cộng đồng, đồng thời tăng hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, cơn sốt AI khiến chính phủ nhiều nước phải gấp rút tìm cách quản lý công nghệ đang phát triển “quá nhanh, quá nguy hiểm” này. Nhìn thấy tương lai đầy rẫy hiểm nguy nếu không kiểm soát chặt chẽ sự phát triển, ứng dụng AI, tháng 9-2024, hội nghị thượng đỉnh về sử dụng AI có trách nhiệm trong lĩnh vực quân sự được tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc) để bàn thảo về các nguy cơ. Hội nghị thông qua kế hoạch hành động đưa ra các nguyên tắc then chốt để cộng đồng quốc tế tiến tới sử dụng AI có trách nhiệm vì lợi ích, an ninh toàn cầu. Tại phiên họp đặc biệt về AI của Hội đồng Bảo an LHQ hồi tháng 12-2024, các bên tham dự đều cam kết thiết lập cơ chế quản lý toàn cầu cho AI, gồm thành lập hội đồng khoa học quốc tế và mở rộng đối thoại về quản trị AI. Hội nghị toàn cầu về AI vừa được tổ chức, sáng kiến của Viện nghiên cứu Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (UNIDIR) hợp tác tập đoàn Microsoft, nhằm thúc đẩy sự tham gia toàn diện và đa ngành bằng cách thúc đẩy đối thoại và hợp tác cởi mở. Ông Robin Geiss, Giám đốc UNIDIR cho biết, hội nghị sẽ được tổ chức hằng năm như sự kiện quan trọng quy tụ cộng đồng ngoại giao cũng như các chuyên gia từ quân đội, công nghiệp, học viện, tổ chức xã hội và phòng thí nghiệm nghiên cứu để cùng nhau xem xét và giải quyết những tác động phức tạp của AI đối với an ninh và khả năng phục hồi của quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Nhiều chuyên gia nhận định, phát huy vai trò trung tâm của con người trong xây dựng và ứng dụng AI là yêu cầu cấp bách nhằm bảo đảm công nghệ này sẽ được sử dụng đúng cách, vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng, thay vì bị lợi dụng để trở thành “vũ khí”. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định “bàn tay nhân loại đã tạo ra AI, bàn tay nhân loại phải hướng dẫn nó tiến về phía trước”.