Bảo đảm an toàn lao động trong lĩnh vực công nghiêp, chế tạo: Giảm số vụ tai nạn nghiêm trọng

12:16 CH 23/12/2023

 

Bổ sung, củng cố kiến thức đối với lao động trong dây chuyền sản xuất để ngăn ngừa tai nạn lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hoa Thành (xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng) trong giờ sản xuất.

 

(HPĐT- Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, 11 tháng qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 11 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, khiến 11 người tử vong. Hơn 60% số vụ liên quan đến việc người lao động vận hành, thiết bị máy không đúng quy cách, không bảo đảm an toàn. Thực tế trên đòi hỏi tính cấp thiết về đào tạo, tập huấn và tăng cường giám sát kỹ năng lao động an toàn trong doanh nghiệp.

 

Cần kiểm tra, bảo trì thiết bị thường xuyên

 

Theo biên bản khai báo về vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH cơ khí đúc Thành Phương (xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên) hồi tháng 9- 2023, nam công nhân H.Đ.L (42 tuổi) không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi mở hộp điện đặt aptomat bảo vệ hệ thống điện cho cầu trục nhà xưởng, nên anh L. bị điện giật, dẫn đến tử vong. Trước đó, 1 công nhân Công ty TNHH Mạnh Bắc (phường Quán Trữ, quận Kiến An) thiệt mạng sau khi sửa chữa, lắp đặt, đấu điện ở trên cao và bị ngã xuống đất. Trưởng Phòng Việc làm- An toàn lao động (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hữu Cường cho biết, với những lao động làm việc trực tiếp thao tác thiết bị, nguồn điện tại xưởng sản xuất, việc làm tắt, cắt bước, không sử dụng các thiết bị bảo hộ cần thiết là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn lao động thương tâm vừa qua. Còn nguyên nhân gián tiếp xuất phát từ việc không có kỹ năng lao động chuyên nghiệp, chưa có ý thức thao tác máy tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn.

 

Hiện, phần lớn doanh nghiệp đông lao động trên địa bàn thành phố đều áp dụng hình thức sản xuất theo dây chuyền hiện đại. Do đó, việc tuyển dụng lao động phổ thông cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Chị Vũ Thúy Quỳnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Fenixmark Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Vũ) thông tin, qua quá trình phỏng vấn trực tiếp, nhiều lao động không có kiến thức cơ bản về an toàn điện, không sử dụng bảo hộ lao động... Do đó, ngay sau khi tuyển dụng, phòng cử lao động mới tham gia các lớp đào tạo cơ bản về tuân thủ bảng chỉ dẫn, nội quy lao động, đọc thông số, bảo đảm an toàn kỹ thuật của thiết bị máy sử dụng tại doanh nghiệp.

 

Có kiến thức, kỹ năng lao động tốt cũng giúp người lao động chủ động, phát hiện sớm những bất thường trong quá trình vận hành thiết bị. Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đào tạo ISO SOLUTIONS Trần Kim Thoa cho rằng, hơn 80% thời lượng làm việc, người lao động trực tiếp tiếp xúc với thiết bị máy móc, nếu được trang bị những kiến thức về an toàn lao động và chỉ tinh ý, vận dụng khả năng quan sát, lắng nghe âm thanh, công nhân có thể phát hiện ra các lỗi cơ bản trong quá trình vận hành thiết bị như: khô dầu, hở điện... để kịp thời báo cáo cấp trên, những bộ phận liên quan tạm ngừng, dừng sản xuất, tiến hành kiểm tra, bảo trì thiết bị kịp thời tránh thiệt hại về người và tài sản.

 

Chú trọng khâu đào tạo

 

11 tháng qua, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị, địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại 22 doanh nghiệp (bằng 67% so với cùng kỳ năm ngoái), phát 1.200 phiếu tự kiểm tra pháp luật trực tuyến, tập trung ở những doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn lao động cao. Qua đó, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 tổ chức, 58 cá nhân với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc áp dụng các mức xử phạt cao nhằm nâng hiệu quả răn đe.

 

Cùng với việc xử lý, theo Chánh Thanh tra Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Lại Ngọc Châu, đoàn kiểm tra đưa ra kiến nghị và hướng dẫn các đơn vị, trong đó có nội dung như: cử người giám sát, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định, nội quy và biện pháp an toàn lao động tại nơi sản xuất; tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức, đào tạo định kỳ nâng cao kỹ năng cho người lao động trong quá trình sử dụng máy móc, thiết bị... Cùng với đó, đơn vị khuyến nghị doanh nghiệp tổ chức những cuộc thi tay nghề, ghi nhật ký sản xuất... để người lao động hiểu rõ, nắm chắc về nguyên lý hoạt động của thiết bị .

 

Tuy nhiên, biện pháp xử phạt chỉ là giải pháp bất đắc dĩ, chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề, các đơn vị, địa phương cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng lao động. Đơn cử như hằng năm Liên đoàn lao động thành phố đều phát động cuộc thi lao động giỏi, lao động sáng tạo hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật... hình thành thói quen tìm tòi, nghiên cứu cải tiến thiết bị cho người lao động, vừa làm lợi kinh tế cho doanh nghiệp, vừa xây dựng phong làm việc chuyên nghiệp cho người lao động. Thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để lan tỏa nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tới doanh nghiệp. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra giám sát, Phó giám đốc Sở Lao độngThương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền đề xuất doanh nghiệp tổ chức các lớp học, đào tạo nâng cao nghiệp vụ tại xưởng sản xuất, ứng dụng các phần mềm phát hiện lỗi thiết bị để hỗ trợ người lao động có cơ chế động viên, khích lệ công nhân tự giác, chủ động cập nhật các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động với mục tiêu “an toàn để sản xuất”, “sản xuất phải an toàn”.