Lớp học tiếng Anh trực tuyến cho trẻ em vùng cao
(HPĐT)- Suốt 2 năm qua, lớp học tiếng Anh trực tuyến miễn phí của các cô giáo Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố và Trường THCS Võ Thị Sáu (cùng quận Lê Chân), giúp hàng trăm học sinh người dân tộc Mông tỉnh Yên Bái thêm tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống.

Những lớp học đặc biệt
Sau hơn hai năm kiên trì, miệt mài “gieo con chữ” tiếng Anh trên các lớp học ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái), các cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang, Hoàng Thị Thu Huyền, Bùi Thị Phương Nhi (Trường THCS Võ Thị Sáu) hay Mai Thị Nguyệt Anh, Trịnh Kim Oanh (Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố) của quận Lê Chân dần nhớ mặt, thuộc tên các học sinh Hảng Thị Bla, Sùng Thị Pàng Dây, Hờ A Dình, Sùng A Lầu hay Cứ Thị Tang... Giờ đây, trong các tiết học, các cô có thể sử dụng tiếng Anh để kiểm tra bài tập, hướng dẫn chơi trò chơi, học sinh nghe hiểu và tự tin trả lời các câu hỏi của cô bằng tiếng Anh. Sở dĩ những lớp học này được gọi là đặc biệt bởi các em đều là người dân tộc, nhiều em cấp tiểu học, tiếng phổ thông (tiếng Việt) đôi khi còn chưa đọc thông, viết thạo nên khi dạy tiếng Anh, nhất là qua nền tảng trực tuyến, Ban giám hiệu, giáo viên các trường rất vất vả. Theo cô Nguyễn Thị Hương Giang, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu (quận Lê Chân), dạy trực tuyến cho học sinh vùng cao có những khó khăn đặc thù do phải dựa trên cơ sở hạ tầng, nhất là những thiết bị thu phát sóng, đường truyền, đôi khi khoảng cách địa lý, thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tiết dạy. Ngoài ra, sách giáo khoa của học sinh xã Bản Mù (tỉnh Yên Bái) khác bộ sách đang được giảng dạy tại Trường THCS Võ Thị Sáu. Do vậy, các cô cùng tổ chuyên môn phải nghiên cứu, soạn bài phù hợp chương trình sách các em đang sử dụng và phương pháp học của học sinh...
Theo cô Hoàng Thị Thu Huyền, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, nhiều học sinh tại Bản Mù không được học tiếng Anh từ cấp tiểu học nên khi vào chương trình cấp THCS, các em gặp khó khăn không nhỏ. Để đạt hiệu quả tốt nhất, các cô giáo có những cách dạy đặc thù. Đó là, phải xác định nội dung bài dạy phù hợp thực tế năng lực học sinh, không đặt nặng kiến thức mà kết hợp hài hòa giữa dạy bài mới với tạo môi trường giao tiếp tự tin, chủ động để học sinh tham gia. Ngôn ngữ trong giờ dạy ngắn gọn, súc tích vì các em vùng cao gặp khó khăn khi tiếp nhận thông tin dài, phức tạp; nội dung bài dạy phải lôi cuốn, sinh động, thu hút sự chú ý qua hình ảnh, âm thanh, slide, video clip ngắn gọn giúp các em tham gia tiết học hào hứng hơn...
Nhân rộng chương trình nhân văn
Mô hình liên kết giữa các đơn vị giáo dục thành phố Hải Phòng và các tỉnh vùng cao nhằm hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh các trường dân tộc nội trú/ bán trú bằng hình thức trực tuyến được triển khai 2 năm qua mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân) cho biết: "Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố là trường đầu tiên triển khai mô hình liên kết, hỗ trợ giáo viên ngoại ngữ giữa các trường của Hải Phòng với các tỉnh vùng cao. Chương trình được khảo sát và triển khai từ cuối học kỳ 1 năm học 2023-2024 giữa nhà trường và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Mù. Không chỉ hỗ trợ giáo viên, chương trình học, nhà trường còn hỗ trợ cơ sở vật chất, ti vi, máy tính, camera, hệ thống đường truyền intenet, đồng phục, đồ dùng học tập"...
Từ hiệu quả của mô hình Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố, chương trình được nhân rộng, thu hút các trường trên địa bàn. Trong đó phải kể đến sự tham gia tích cực của Trường THCS Võ Thị Sáu. Trường có 10 giáo viên dạy ngoại ngữ thì có 3 cô giáo trực tiếp tham gia hoạt động hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái). Chương trình được triển khai từ học kỳ 2 năm học 2023- 2024 với 2 lớp học trên tinh thần tự nguyện và hoàn toàn miễn phí. Từ thời điểm triển khai đến nay, các cô hỗ trợ hàng trăm tiết dạy, giúp các em hoàn thành chương trình học theo đúng tiến độ mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều đáng ghi nhận là sự tâm huyết, nhiệt tình trách nhiệm của giáo viên cả hai trường tham gia hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao. Cô Mai Thị Nguyệt Anh, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố cho biết: "Là giáo viên, tôi từng ước mơ được đóng góp công sức phần nào cho những học sinh còn khó khăn, tuy nhiên, do điều kiện gia đình chưa thể thực hiện tâm nguyện đó. Do vậy, tôi rất cảm ơn Ban giám hiệu đã tạo cơ hội để được tham gia chương trình ý nghĩa này và sẽ tiếp tục tham gia trong thời gian tới"...
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Sen, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Mù: Nhà trường có hơn 600 học sinh với 21 lớp học nhưng không có giáo viên ngoại ngữ. 100% việc giảng dạy tiếng Anh của trường phụ thuộc vào chương trình hỗ trợ của các giáo viên Hải Phòng và giáo viên biệt phái tại địa phương. Do vậy, những điều giáo viên thành phố Hải Phòng mang lại có ý nghĩa đặc biệt, giúp nhà trường không chỉ thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà còn đem lại công bằng cho tất cả học sinh nhà trường trong việc tiếp cận chương trình giáo dục mới.