Nữ điều dưỡng tận tâm với người bệnh nghèo
(HPĐT)- Chăm sóc người bệnh là nhiệm vụ không dễ dàng, chăm sóc người bệnh tâm thần nghèo lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng với nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Chi, nhân viên Phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội (Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng), chị không chỉ hết lòng chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, giúp đỡ người bệnh nghèo như người thân của mình, mà còn là cầu nối giữa bệnh viện, người bệnh và các nhà hảo tâm.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điều dưỡng, Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng năm 2016, chị Nguyễn Thị Chi, sinh năm 1994 về Khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng). Đến năm 2021, thấy chị làm tốt việc hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh, lãnh đạo bệnh viện quyết định điều chuyển Chi về Phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội, phụ trách công tác thiện nguyện của bệnh viện. Nhiệm vụ của Chi là tiếp đón các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đến bệnh viện hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh nghèo. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, theo nữ điều dưỡng, trong công việc không chỉ cần chăm chỉ, chịu thương chịu khó, còn cần cả tấm lòng yêu thương người bệnh hết lòng. Hằng tuần, Chi liên hệ với lãnh đạo các khoa điều trị để rà soát người bệnh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt rồi đề xuất lãnh đạo phòng, các khoa và nhà hảo tâm có phương án giúp đỡ kịp thời. Như trường hợp nam người bệnh điều trị tại Khoa Điều trị bị người nhà bỏ rơi, không thăm nom, không gửi tiền ăn nhiều tháng. Chi ân cần hỏi thăm, biết các bác sĩ của Khoa hỗ trợ tiền ăn cho người bệnh nhiều ngày. Khi thấy nguồn quỹ hỗ trợ người bệnh của khoa có nguy cơ cạn kiệt, Chi chủ động liên hệ với nhà hảo tâm xin các suất ăn từ thiện cho người bệnh; báo cáo lãnh đạo phòng và lãnh đạo bệnh viện kêu gọi cán bộ, nhân viên y tế đóng góp kinh phí, hỗ trợ người bệnh tiền ăn. Hay trường hợp khác ở Khoa Cấp tính nam và Phục hồi chức năng thường xuyên ra vào bệnh viện nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng viện phí, không có tiền ăn, nữ điều dưỡng cũng chủ động nắm bắt hoàn cảnh, đề xuất bệnh viện trích quỹ hỗ trợ người bệnh.
Khác với người bệnh ở các bệnh viện khác, người bệnh ở Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng phần lớn là người bệnh mạn tính lâu năm, có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức, ý thức đều hạn chế nên việc chăm sóc, giúp đỡ cũng vất vả hơn. Khi có nhà hảo tâm đến hỗ trợ người bệnh suất ăn, vì người bệnh tâm thần không thể ra địa điểm cố định để xếp hàng nhận cháo, sữa, bánh…, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Chi cùng các đồng nghiệp, nhà hảo tâm mang những thùng đựng các suất ăn ấm nóng đến tận phòng, giường bệnh để trao tặng người bệnh, trông chừng người bệnh ăn; canh chừng xung đột giữa các người bệnh trong cùng một phòng khi nhận quà; giám sát việc phân chia sữa cho người bệnh, tránh việc cùng một lúc người bệnh có thể uống hết cả 1, 2 vỉ sữa được tặng… Chưa kể việc Chi phải “thuộc” cả tính cách, tiền sử bệnh tật, các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường đi kèm các triệu chứng bệnh tâm thần của người bệnh để hướng dẫn nhà hảo tâm trao tặng các suất ăn phù hợp tình trạng sức khỏe người bệnh.
Mỗi tháng, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng tiếp nhận 4-5 đoàn đến thiện nguyện thường xuyên và nhiều nhà hảo tâm riêng lẻ khác. Trong đó, phần lớn là các đoàn phật tử đến trao đồ ăn, uống tặng người bệnh. Việc hỗ trợ người bệnh của nữ điều dưỡng phụ trách công tác thiện nguyện của bệnh viện không chỉ dừng ở việc kết nối, còn là cùng làm, cùng tham gia, thông tin tới họ các hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để cùng chung tay hỗ trợ. Bên cạnh việc kết nối nhà hảo tâm, từ thông tin Chi cung cấp, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện tình nguyện trích đồng lương của mình ủng hộ quỹ vì người bệnh nghèo hoặc mua đồ ăn tặng người bệnh nghèo trong những lần liên hoan quý, cuối năm. Những tình cảm ấm áp đó lan tỏa tới các khoa, phòng, tạo mối gắn kết sâu sắc giữa người bệnh, người nhà người bệnh với cán bộ, nhân viên y tế và lan tỏa trong cộng đồng.
Nhận xét về nữ nhân viên tận tâm, hết lòng vì người bệnh nghèo của mình, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội (Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng) Trịnh Thị Thanh Mai cho rằng, điều đáng quý nhất ở nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Chi là giàu tình thương yêu, lòng trắc ẩn với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là lý do Chi luôn nhiệt tình, xông xáo tham gia các hoạt động thiện nguyện ngay tại bệnh viện cũng như tham gia các chương trình khám sàng lọc bệnh trầm cảm miễn phí cho trẻ em Làng trẻ SOS, khám sức khỏe người cao tuổi trong cộng động.