Nâng cao hiệu quả tư vấn, định hướng nghề: Gia đình, nhà trường phối hợp chặt hơn

08:44 SA 08/04/2024

 

Học sinh tìm hiểu ngành nghề đào tạo trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại Trường đại học Hàng Hải Việt Nam.

 

(HPĐT)- Tháng 4 là thời điểm nước rút, các trường THPT, THCS vừa tăng tốc hoàn thành chương trình giáo dục, vừa tích cực ôn tập, đẩy mạnh tư vấn, giáo dục hướng nghiệp giúp học sinh nhận rõ khả năng, chọn đúng nghề, phù hợp năng lực và nhu cầu lao động xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình và nhà trường...

 

Khi cha mẹ và con không tìm được tiếng nói chung

Tại sự kiện F-Edutech với chủ đề “Công nghệ kiến tạo hạnh phúc” do Trường THCS và THPT FPT tổ chức, có rất nhiều người quan tâm đặt câu hỏi với các diễn giả, chuyên gia tâm lý về định hướng chọn ngành nghề nào cho con phù hợp với xu thế xã hội trong tương lai. Anh Nguyễn Văn Hoàng, có con học lớp 12A3, Trường THPT Kiến Thụy bày tỏ: “Gia đình có người công tác tại ngân hàng nên hướng con vào học các khối thuộc lĩnh vực này để sau này có thể xin việc thuận lợi. Tuy nhiên cháu lại thiên về những môn văn hóa và không thích ngành bố mẹ chọn. Đây cũng là lý do nảy sinh nhiều bất đồng giữa bố mẹ và con cái khi gia đình cố ép, con học với thái độ miễn cưỡng nên hiệu quả không cao”...

Cũng trong tâm trạng băn khoăn, anh Đỗ Đình Dũng, ở ngõ 193 đường Văn Cao (quận Hải An) chia sẻ về những bất đồng trong định hướng chọn nghề giữa hai vợ chồng cho con trai đang học lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền). Qua nắm bắt năng lực và tâm lý, giáo viên tư vấn nên cho con chuyển sang học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Ý kiến này được vợ anh tán thành, chị đang tham khảo hệ thống các trường nghề trên địa bàn để chọn cho con. Nhưng với anh Dũng, việc con mới học xong lớp 9 đã chuyển sang học nghề sẽ bị mọi người đánh giá, nhất là cơ quan anh không có trường hợp nào như vậy. Anh Dũng cho rằng, cần học hết cấp THPT rồi muốn học nghề gì cũng được.

Có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tư vấn, hướng nghiệp, cô giáo Bùi Thị Oanh, chủ nhiệm lớp 9A4, Trường THCS Đà Nẵng thừa nhận có những khó khăn trong tư vấn, hướng nghiệp khi có sự “vênh” giữa bố mẹ và con, thậm chí giữa bố và mẹ. Nhiều gia đình chưa đánh giá đúng năng lực của con, chuộng bằng cấp nên ép con thi vào lớp 10 THPT công lập bằng mọi giá, thậm chí với tâm lý dù biết trước là trượt nhưng vẫn cứ thi.

Đồng tình quan điểm này, thầy Đào Thế Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Kiến Thụy bổ sung: Nhà trường chỉ đóng vai trò tư vấn, định hướng nghề nghiệp, trong khi nhiều cha mẹ có vai trò quyết định tương lai của con lại hạn chế trong nắm bắt thông tin ngành nghề, xu hướng nhu cầu xã hội. Vì vậy, nhiều người quyết định chọn nghề cho con mang tính chủ quan, áp đặt, không phù hợp năng lực, điều kiện gia đình, gây lãng phí thời gian, tiền bạc.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT nhận định, trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam không nằm ngoài tiến trình chung đang diễn ra trên thế giới, tác động mạnh mẽ đến lao động tất cả các ngành, lĩnh vực. “Để tư vấn chính xác, hiệu quả nghề nghiệp cho con em, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình trong đánh giá chính xác năng lực của học sinh, cập nhật hệ thống trường nghề, nhu cầu thị trường lao động, xu hướng ngành nghề hiện tại, tương lai để tư vấn lựa chọn sáng suốt, tránh trường hợp chưa học xong ngành nghề đó đã lỗi thời”- ông Tiến nêu rõ.

 

Cần sự đồng hành giữa gia đình và nhà trường

Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Phạm Huy Bình cho biết, hiện toàn thành phố có hơn 250 trường THCS và THPT với hơn 226.000 học sinh. Thời gian qua, công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp đối với học sinh phổ thông được ngành Giáo dục thành phố chú trọng.

Để nâng cao hiệu quả tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ở góc độ giáo viên, cô giáo Bùi Thị Oanh luôn sát sao để nắm bắt đúng năng lực, sở thích, hoàn cảnh từng học sinh để thông tin, trao đổi với gia đình. Tại Trường THPT Thụy Hương, nhà trường linh hoạt thực hiện giáo dục hướng nghiệp dưới hình thức vừa lồng ghép vừa độc lập. Bên cạnh việc giáo viên tư vấn, định hướng cho học sinh, nhà trường tăng cường tuyên truyền tới cha mẹ học sinh trong các cuộc họp để gia đình ý thức được tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, tránh tâm lý xem nặng bằng cấp. Để nâng cao chất lượng tư vấn, nhà trường còn tích cực bồi dưỡng giáo viên về công tác hướng nghiệp; chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp tư vấn, hướng nghiệp phù hợp thực tế. Nhà trường còn mời chuyên gia đầu ngành về định hướng, tổ chức đưa học sinh tham quan một số mô hình sản xuất, kinh doanh, các trường đại học, tham gia ngày hội tư vấn nhằm giúp các em có cái nhìn toàn diện hơn trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai...

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi, phân luồng và định hướng nghề nghiệp là hoạt động, nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này hơn nữa, Sở tiếp tục bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường chỉ đạo các trường đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền tới học sinh và gia đình. Trong đó chú trọng cung cấp thông tin nghề nghiệp cho các học sinh, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà trường với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sở cũng tiếp tục phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách đào tạo nghề và tư vấn hướng nghiệp; đồng thời chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh thông tin, phối hợp chặt chẽ các gia đình nhằm giúp học sinh và các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức, đánh giá đúng năng lực và điều kiện gia đình để có quyết định lựa chọn phù hợp- Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi nhấn mạnh.

 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập