Giáo dục STEM: Sáng tạo để lĩnh hội, vận dụng tri thức
(HPĐT)- Từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, các trường phổ thông trên địa bàn thực hiện hàng trăm tiết dạy định hướng giáo dục STEM và tổ chức hàng chục chuyên đề giáo dục STEM cấp thành phố. Dựa trên cách tiếp cận liên môn, mô hình giáo dục STEM giúp học sinh được áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và Toán học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống...
Gắn với thực tiễn cuộc sống
Giáo dục STEM là phương pháp dạy học tích hợp liên môn Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics) phù hợp định hướng đổi mới giáo dục, đáp ứng mục tiêu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành”. Trong tiết Hóa học của học sinh lớp 10A1, thầy và trò Trường THPT Phan Chu Trinh lựa chọn chủ đề “Hóa học trong phòng, chống cháy, nổ”. Em Nguyễn Thu Nhung cho biết: "Chủ đề này thiết thực với đời sống vì thời gian qua, trên địa bàn thành phố và cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở, chung cư gây hậu quả lớn về người và tài sản. Hiểu nguyên lý, kiến thức và có kỹ năng phòng, chống cháy nổ sẽ giúp chúng em bình tĩnh xử lý tình huống để bảo đảm an toàn cho mình và cộng đồng". Để thiết kế bình chữa cháy chứa khí CO2, Nhung cùng các bạn trong nhóm xây dựng thiết kế, nghiên cứu kỹ công đoạn chế tạo, phản ứng hóa học... Nhung cho biết, để tạo ra bình chữa cháy hoàn thiện, chúng em phải qua rất nhiều lần thực hành, có những lúc bị hỏng phải làm đi làm lại chỉ một chi tiết nhỏ nhưng chính điều này giúp nhóm của Nhung hiểu và nhớ bài lâu hơn.
Với học sinh khối 7, 8 Trường THCS Trường Thọ (huyện An Lão), để hiểu nghệ thuật Ca trù – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, giáo viên tích hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học như: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Âm nhạc, Mỹ thuật vào các hoạt động văn nghệ, diễn xuất. Điều thú vị, các em còn tự làm ra các sản phẩm STEM là cây đàn Đáy phục vụ diễn xuất trong tiết học. Em Vũ Thị Thảo Nguyên, thành viên CLB Mỹ thuật nhà trường cho biết: "Sau khi được cô giảng dạy về đàn Đáy cộng với tìm hiểu trên internet, chúng em lên ý tưởng, vẽ, thực hiện quy trình làm đàn. Quá trình này giúp chúng em biết thêm về thang âm cũng như tư thế đúng khi biểu diễn nhạc cụ này"... Lý giải việc tích cực áp dụng giáo dục STEM trong hoạt động giảng dạy, cô Phạm Thị Lê, giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh cho biết: Giáo dục hiện nay đòi hỏi học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức, mà còn biết vận dụng kiến thức giải quyết được những vấn đề trong cuộc sống. Giáo dục STEM đặt học sinh làm trung tâm. Các em được phát huy năng lực nhận thức, khám phá ngôn ngữ, năng lực tư duy, tự chủ, tự học.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Hiểu rõ vai trò của giáo dục STEM giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, logic, nhiều trường trên địa bàn tích cực triển khai giáo dục STEM vào các môn học. Các bài học thường dựa trên những vấn đề xảy ra trong thực tế, do vậy, không chỉ giúp học sinh hiểu về nguyên lý, mà còn rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức trên sách vở tới thực hành. Theo cô Phạm Thị Lê, hiệu quả giáo dục STEM không chỉ đem lại cho học sinh mà cả với giáo viên. Để thực hiện tốt bài giảng, giáo viên buộc phải nâng cao năng lực bản thân, chịu khó đào sâu kiến thức liên môn để vận dụng thường xuyên vào các tiết dạy mới dần hình thành niềm đam mê trong học sinh đối với Khoa học kỹ thuật. Từ đó, các em tự tìm tòi, chủ động, sáng tạo kết hợp cùng giáo viên trong quá trình học tập. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ hơn nữa của Sở, nhà trường để tập huấn, tổ chức các chuyên đề cho giáo viên có thêm kinh nghiệm, kiến thức hữu ích.
Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Hùng đánh giá, giáo dục STEM đặc biệt có ý nghĩa trong triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bởi giúp trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền trong thực tiễn, biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra. Hiện, số đơn vị thành lập các câu lạc bộ STEM, phòng học STEM ngày càng tăng, giúp thúc đẩy học sinh tự khám phá, tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức. Ngoài ra, nhiều trường còn chủ động phối hợp các chuyên gia STEM, các trường cao đẳng, đại học tổ chức tập huấn giáo viên và hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động giáo dục STEM và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Về định hướng giáo dục STEM thời gian tới, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo các nhà trường chú trọng đưa giáo dục STEM qua các tiết học, các chủ đề STEM, hoạt động trải nghiệm STEM và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật. Ngành Giáo dục cũng tích cực tổ chức các hội thảo mời chuyên gia tư vấn, hướng dẫn, trang bị kiến thức cho cán bộ quản lý và giáo viên nhằm thực hiện hiệu quả giáo dục STEM. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực thành phố trong tương lai.