Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3) - Đề cao trách nhiệm cộng đồng

11:00 CH 23/03/2017

Hiện nay do kiến thức về phòng, chống bệnh lao của một số người dân hạn chế, nhiều người bệnh đến cơ sở y tế điều trị muộn, kéo dài thời gian, chạy chữa, tăng nguy cơ lây sang người khác và khả năng kháng thuốc cao hơn. Do vậy, việc phòng, chống lao cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.

Nguy cơ nhiễm bệnh lao còn lớn

Hải Phòng là một trong những địa phương có nguy cơ nhiễm bệnh lao lớn, do thành phố có mật độ dân số cao, dân nhập cư đông, số người tiêm chích ma túy cao, đồng thời dịch HIV/AIDS phát triển làm gia tăng các bệnh cơ hội, trong đó có bệnh lao. Hiện, mạng lưới chống lao phủ khắp các phường, xã, nhưng nhiều người bệnh mắc lao do mặc cảm tâm lý nên không đi điều trị đúng chuyên khoa, hoặc bỏ điều trị, tạo nguy cơ lây nhiễm lớn cho cộng đồng.

Do vậy, dù trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các tổ chức chính trị xã hội, Chương trình phòng, chống lao thành phố Hải Phòng đạt được một số thành quả đáng khích lệ, nhưng tình hình bệnh lao ở Hải Phòng còn diễn biến phức tạp. Hơn 20% số người bệnh lao trong cộng đồng khó được phát hiện. Việc chẩn đoán và quản lý điều trị lao đồng nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn. Hải Phòng có tỷ lệ lao kháng đa thuốc cao hơn so với trung bình cả nước (ước tính 5% trong tổng số người bệnh lao thu nhận). Người bệnh lao, lao/HIV, lao kháng thuốc trong các khu vực khép kín (trại giam, trung tâm giáo dục lao động xã hội) khi mãn hạn ra ngoài cộng đồng không được tiếp nhận và quản lý.

Ra quân tuyên truyền tại mít tinh nhân Ngày thế giới phòng, chống lao năm 2016. Ảnh: Diệu Hương

Tại kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Chính phủ về "Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030", thành phố Hải Phòng phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ người mắc lao trong cộng đồng xuống 80 người bệnh/100.000 dân. Để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực rất lớn.

Trong khi đó, hiện chương trình phòng, chống lao trên địa bàn thành phố gặp những khó khăn và thách thức như: Thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao, do nguy cơ lây nhiễm cao và thu nhập thấp; nhiều cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo; một số người dân vẫn có thói quen tự chữa bệnh, không cần thầy thuốc tư vấn. Kinh phí công tác phòng, chống lao hiện nay chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Quan trọng hơn, cộng đồng vẫn xem công tác phòng, chống lao là chuyện riêng của ngành Y tế, của cán bộ làm công tác phòng, chống lao. Việc phát hiện người bị bệnh lao trên địa bàn thành phố hiện nay chủ yếu bằng hình thức thụ động, do tuyến xã gửi người bệnh nghi lao lên Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm, phát hiện, vì không có kinh phí khám, điều tra, phát hiện bệnh lao trực tiếp tại cộng đồng. Tỷ lệ người có triệu chứng nghi lao, đến cơ sở y tế rất ít; phần lớn, người bệnh được phát hiện ở giai đoạn nặng, hoặc phát hiện tình cờ qua các bệnh lý nội khoa khác.

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2017 với chủ đề: "Đoàn kết toàn dân chiến thắng bệnh lao”, UBND thành phố đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống lao giai đoạn 2016 – 2020 bằng việc yêu cầu các các sở, ban, ngành và các quận, huyện cùng “vào cuộc” với ngành Y tế triển khai đồng bộ công tác phòng, chống lao. Thực tế, công việc đấu tranh phòng, chống bệnh lao không của riêng ai, một cơ quan tổ chức nào, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, vì “giúp một người chữa khỏi bệnh lao, là giảm nguy cơ mắc lao cho chính mình”; phát hiện được một người mắc lao là cứu sống 1 người và phòng cho 10 người”.

Khám và chăm sóc người bệnh lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Hiền

Năm 2017, công tác phòng, chống lao sẽ được quy thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư thích đáng về nguồn nhân lực và kinh phí tại các địa phương. Các ban, ngành, tổ chức xã hội sẽ đưa công tác phòng, chống lao trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên, bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp. Chương trình phòng, chống lao quốc gia sẽ tăng cường lồng ghép với chương trình phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng phối hợp giữa các cơ sở y tế công và tư trong hoạt động phòng, chống lao...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới Mỗi năm, có khoảng 16.000 người chết vì bệnh lao. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp.

Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng đang chủ động khắc phục khó khăn để công tác phòng, chống bệnh lao đạt hiệu quả cao hơn. Bệnh viện tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới, mang tính chất chuyên khoa sâu như: nội soi màng phổi ống cứng, sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi; phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương chẩn đoán lao kháng thuốc và một số kỹ thuật chuyên khoa; cải tiến chất lượng bệnh viện theo các tiêu chí của Bộ Y tế; chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, tiếp nhận kỹ thuật do các bệnh viện trung ương chuyển giao, chỉ đạo và hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật. Vấn đề lao đồng nhiễm HIV và lao kháng thuốc cũng tiếp tục được quan tâm và xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp. Ngoài ra, công tác phòng, chống bệnh lao cũng được kết hợp chặt chẽ với các chương trình y tế khác như phòng, chống hút thuốc lá, HIV/AIDS, cải thiện môi trường sống...

Mạc Huy Tuấn

(Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng)