Bổ sung lao động ngành điện, điện tử: Kết nối đào tạo, bảo đảm nhu cầu
(HPĐT)- Theo tính toán của Dự án “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, dự báo 5 năm nữa, thành phố có nhu cầu sử dụng gần 72.500 lao động ngành điện, điện tử, tăng 40% so với nhu cầu của năm 2025. Do đó, kịp thời bổ sung lao động trong lĩnh vực này cả trước mắt và lâu dài là bài toán thiết yếu, đặt ra đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Mòn mỏi ngóng lao động
Thường xuyên đăng thông tin tuyển dụng, số người ứng tuyển thưa thớt… là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại Hải Phòng. Theo anh Vũ Văn Thăng, cán bộ Phòng Hành chính- Nhân sự, Công ty TNHH Maya Creation Việt Nam (Khu công nghiệp An Dương), là đơn vị sản xuất và gia công sản phẩm điện tử tiêu dùng, công ty có nhu cầu tuyển dụng 60 lao động. Bên cạnh việc tuyển dụng trực tiếp, doanh nghiệp này đăng tin trên website và đăng ký tham gia phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm và điều dưỡng người có công Hải Phòng. Nhưng tại phiên giao dịch việc làm thu hút hàng trăm lao động tham gia, chỉ có 10 lao động nộp hồ sơ ứng tuyển vào công ty.
Cuộc cạnh tranh trong tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện, điện tử đang diễn ra khá gay gắt. Đơn cử: Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam mời tuyển cả lao động thời vụ, với mức lương hơn 300 nghìn đồng/8 giờ làm việc, người lao động được tự do lựa chọn ca làm và được công ty hỗ trợ xe đưa đón; Công ty TNHH Horn Việt Nam đưa ra chính sách trả lương theo tuần… Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Autel Robotics Việt Nam (Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng) Bùi Hải Vân thông tin: Tháng 2 vừa qua, doanh nghiệp tuyển mới 14 lao động, tuy nhiên, có 27 lao động khác chuyển việc, "nhảy" việc. Với đặc thù doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thiết bị máy bay không người lái, không chỉ đòi hỏi người lao động tỉ mỉ, mà còn cần sự nhanh nhạy, nắm bắt kiến thức nhất định về nhận diện, đọc mã sản phẩm. Yếu tố này khiến nhiều lao động ngoại tỉnh, nhất là lao động đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc khó đáp ứng được. Do đó, Phòng đang tham mưu Ban giám đốc để có những chính sách đãi ngộ về thu nhập riêng, nhằm thu hút lao động có tay nghề tại Hải Phòng đến làm việc. Theo Trưởng Phòng Tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm và điều dưỡng người có công (Sở Nội vụ) Nguyễn Thị Thanh, trong quý 1-2025, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh như: Công ty TNHH Điện tử Deren Việt Nam (Khu công nghiệp An Dương), Công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Vũ), Công ty TNHH K&P Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Tràng Duệ)… có nhu cầu tuyển dụng lao động ngành điện, điện tử ở vị trí lao động phổ thông chưa qua đào tạo, có chứng chỉ nghề, kỹ sư điện…
Tăng cường kết nối, giới thiệu
Hiện nay, ngành điện, điện tử là một trong số 9 ngành đào tạo trọng điểm được hưởng các chính sách theo Nghị quyết số 03 của HĐND thành phố, theo đó, người học sẽ được hỗ trợ 900 nghìn đồng/tháng. Chớp cơ hội này, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai, xây dựng những thoả thuận hợp tác trong ngành nghề này, cam kết 100% số học sinh, sinh viên điện, điện tử có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Phó hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết: Với mục tiêu đa dạng các đối tác để sinh viên nhà trường có nhiều cơ sở để tham quan, thực tập, nhà trường ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CP MECTA về cung ứng 200 học viên nghề điện, điện lạnh mỗi năm. Còn Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông-Vận tải Trung ương 2 Nguyễn Duy Vinh thông tin, cuối tháng 2 vừa qua, nhà trường phối hợp Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tổ chức hướng nghiệp, tìm hiểu cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành điện công nghiệp sắp tốt nghiệp trong năm nay. Bên cạnh đó, sinh viên được hướng dẫn truy cập mã QR-code để tra cứu, tìm kiếm thông tin tuyển dụng dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ngành điện tại fanpage "Việc làm miền Bắc", để mở rộng cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên ở các tỉnh, thành phố lân cận có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử như: Bắc Ninh, Hưng Yên... Qua đó, giúp sinh viên ngành điện công nghiệp của nhà trường sớm tìm được việc làm phù hợp chuyên môn đào tạo, có thu nhập ổn định.
Trong tương lai gần, thành phố tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp, khu kinh tế, kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong các ngành công nghệ điện, điện tử... Bên cạnh nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và điều dưỡng người có công Hải Phòng, trên cơ sở khảo sát, thống kê nhu cầu tuyển dụng lao động từ các doanh nghiệp, Trung tâm đa dạng kết nối đào tạo nghề, tập trung giới thiệu việc làm để lao động tiếp cận nhóm nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.