Khẳng định đường lối đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo
Sau khi nghiên cứu, tôi nhất trí cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng. Tôi đóng góp một số ý kiến cụ thể về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều, cần được Đại hội 13 của Đảng làm rõ hơn.
Trước hết, về đường lối đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đảng ta luôn kiên trì đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng CNXH. Đây là lựa chọn đúng đắn của Đảng ta, từ đó lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, vượt qua biết bao thác ghềnh, đưa đất nước thống nhất, phát triển, ngang tầm quốc tế như ngày nay. Song, những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Qua nhiều năm, sự sụp đổ của mô hình CNXH Xô viết được tổng kết, để lại những bài học quý báu cho các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trên thế giới vượt qua khủng hoảng, tiếp tục kiên định lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Và dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam tìm ra con đường cách mạng đúng đắn, đó là phải “Đổi mới”.
Trong đó, nước ta chấp nhận kinh tế thị trường, chấp nhận quy luật giá trị (trước đây ta nói đó là quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản), nhưng nền kinh tế thị trường ở nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Năm 2017, Trung ương Đảng có Nghị quyết số 10- NQ/TW “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng 13 cũng nêu: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là những quyết sách có tính lịch sử đối với nước ta. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế, tham gia tổ chức thương mại quốc tế (WTO); là thành viên có uy tín của ASEAN, của cộng đồng quốc tế...
Tôi cho rằng, hơn 30 năm qua, Đảng ta tiến hành công cuộc “Đổi mới” rất to lớn, quan trọng, toàn diện, trên tất cả lĩnh vực, cả về thể chế chính trị - CNXH cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh - tuyệt đối không theo chủ nghĩa tư bản, không đa đảng. Sự lựa chọn đúng đắn, khẳng định con đường đi lên CNXH của Việt Nam là phù hợp thực tiễn nước ta và xu thế thời đại.
Nhưng rất tiếc, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân còn nghĩ nước ta vẫn theo con đường CNXH lỗi thời. Do đó, tôi đề nghị thêm 2 từ “đổi mới” sau từ CNXH, thành “CNXH đổi mới”. Có thể nói, đây là sự đóng góp, cống hiến, bổ sung của Đảng và nhân dân ta vào kho tàng lý luận Mác-Lê nin trong thời đại mới, xây dựng được mô hình CNXH đổi mới, không còn là CNXH lỗi thời, nhiều khiếm khuyết đã sụp đổ. Sự khẳng định này để nhân dân thêm vững niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta.
Về chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Dự thảo Báo cáo chính trị chỉ rõ: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Vì vậy, phải “tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Đó là những chủ trương rất đúng đắn của Đảng, nhà nước ta. Tuy nhiên, tôi đề nghị việc này cần gắn chặt hơn với “phát huy mạnh mẽ hơn nữa dân chủ trong Đảng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tham gia nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này, coi quần chúng nhân dân tốt là tai mắt của Đảng, Nhà nước”.
Về nội dung xây dựng Đảng, tôi tham gia góp ý Trung ương Đảng cần có chuyên đề chỉ đạo đổi mới hoạt động của chi bộ Đảng, để nâng cao tính lãnh đạo và hiệu quả.