Mở rộng vùng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP: Vận động nông dân thay đổi thói quen sản xuất
Một số diện tích trồng na ở Liên Khê (Thủy Nguyên) áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đem lại cho bà con thu nhập cao.
(HPĐT)- Hải Phòng có hơn 7.000 ha đất trồng cây ăn quả. Tuy diện tích không lớn như các vùng sản xuất chuyên canh của các tỉnh, thành phố lân cận nhưng nhiều vùng cây ăn quả của thành phố có chất lượng cao với những sản phẩm đặc trưng vùng miền như: táo Bàng La, na Liên Khê, ổi lê Vĩnh Bảo… Để nâng tầm giá trị, khẳng định thương hiệu, mang lại thu nhập cao cho nông dân, cần mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ít diện tích được hỗ trợ sản xuất theo VietGAP
Theo khảo sát của Hội Làm vườn và Phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng), thành phố hiện có một số vùng trồng cây ăn quả ngon như: ổi lê Vĩnh Bảo; táo Bàng La (quận Đồ Sơn); na, chuối Liên Khê; bưởi Lâm Động, dưa chuột Kỳ Sơn (huyện Thủy Nguyên); vải, thanh long Bát Trang (huyện An Lão)… Vài năm gần đây, tại một số vùng trồng cây ăn quả, nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vùng sản xuất chuối ở xã An Sơn và vùng trồng na ở xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) hiện có 20-30 ha/vùng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân. Chủ tịch UBND xã Liên Khê Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước đây, bà con nông dân gặp nhiều khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm dễ dàng có mặt các siêu thị, cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn. Thu nhập từ vùng sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 700-800 triệu đồng/ha, giá sản phẩm có lúc cao nhất, bán 80-90 nghìn đồng/kg. Trong khi trước đó, sản xuất theo phương thức truyền thống bán được 40-50 nghìn đồng/kg.
Mặc dù giá trị sản xuất cao hơn hẳn, cơ hội lưu thông tiêu thụ hàng hóa cũng dễ dàng hơn, tuy nhiên, diện tích sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP hiện có quy mô nhỏ. Qua thống kê của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, diện tích này chủ yếu là các vùng được hỗ trợ thí điểm cho địa phương. Chưa có nhiều vùng sản xuất nông dân chủ động áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Tại mỗi vùng sản xuất cây ăn quả nổi tiếng của thành phố, mỗi nơi chỉ có vài héc-ta ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP.
Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng Bùi Cảnh Đức cho biết, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đối với cây ăn quả trên địa bàn thành phố chưa được mở rộng vì tiêu chuẩn này có nhiều quy định phức tạp, trong khi nông dân khó thay đổi thói quen canh tác truyền thống. Cụ thể, tiêu chuẩn VietGAP quy định 63 tiêu chuẩn cần áp dụng. Trong quá trình sản xuất, nông dân phải ghi chép đầy đủ, chịu sự giám sát theo quy trình sản xuất của cơ quan chức năng. Để được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn này còn cần một khoản kinh phí từ 20 triệu đồng/ha trở lên, trong khi nông dân hạn chế về nguồn vốn, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro. Một số tổ chức như hợp tác xã, tổ hợp tác muốn quy vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng lại có tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, không tự bỏ kinh phí đầu tư… Nhiều nông dân chưa nhận thức rõ về giá trị sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên lo ngại giá bán sản phẩm không được cao hơn so với sản xuất theo cách thông thường.
Tích cực mở rộng diện tích
Mục tiêu của ngành nông nghiệp Hải Phòng trong những năm tới là mở rộng diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu các vùng sản xuất có 30-50% diện tích áp dụng tiêu chuẩn này; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là đối với vùng trồng cây ăn quả ngon, mang tính đặc trưng vùng miền. Để đạt mục tiêu này, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Nguyễn Ngọc Đam, thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng các vùng trồng cây ăn quả ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP tạo tiền đề để nông dân tiếp tục đầu tư. Cùng với đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp cũng cần chủ động đầu tư kinh phí, phối hợp các cơ quan chức năng để triển khai, đồng thời làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn như: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng… tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất của nông dân; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGAP theo cách cầm tay, chỉ việc. Bên cạnh đó, các đơn vị giới thiệu các doanh nghiệp kết nối sản xuất với nông dân, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương quy vùng sản xuất cây ăn quả phù hợp quy hoạch chung phát triển nông thôn mới kiểu mẫu; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện sản xuất thu gom ruộng bỏ hoang chuyển đổi trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; phối hợp các cơ quan chức năng vận động nông dân mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Về phía nông dân, cần sớm thay đổi thói quen sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, tích cực học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kiến thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP do các cơ quan chức năng tổ chức tại địa phương; mạnh dạn dồn đổi ruộng đất xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; chủ động phối hợp các doanh nghiệp để sản xuất hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm đầu ra cho sản phẩm./.