Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông: Tăng hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp
(HPĐT)- Thời gian gần đây, hoạt động khuyến nông có nhiều chuyển biến tích cực khi ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đến với nông dân. Tuy nhiên, để việc ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả hơn, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa cán bộ khuyến nông và nông dân trong quá trình thực hiện.
Giúp nông dân thay đổi hình thức sản xuất
Nắm bắt xu thế chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng có nhiều cách tiếp cận phù hợp như ứng dụng chữ ký số trong triển khai các nhiệm vụ của đơn vị; duy trì trang thông tin điện tử để phản ánh nhanh, kịp thời, đầy đủ, hiệu quả về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, Trung tâm thành lập các nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như nhóm “Văn phòng Khuyến nông”, nhóm “Lãnh đạo các phòng, trạm”, nhóm “Giao ban tuần” nhóm riêng của các phòng, trạm… nhằm giúp các thành viên trong các nhóm kết nối, trao đổi nhanh nhất, qua đó kịp thời xử lý công việc …
Những năm trước, việc tuyên truyền, phổ biến các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân chủ yếu áp dụng các biện pháp truyền thống như tuyên truyền miệng, phổ biến trực tiếp tại hội trường hoặc hội nghị, hội thảo đầu bờ. Hiện, việc phổ biến quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao được mỗi cán bộ khuyến nông chủ động nắm bắt công nghệ, đổi mới cách làm phù hợp với tình hình để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho bước chuyển mình của ngành nông nghiệp. Trưởng Phòng Kỹ thuật nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) Vũ Đức Hạnh cho biết, để tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến nông dân, cán bộ có các phương tiện truyền thông hiệu quả như máy chiếu, kết nối nông dân với các nền tảng mạng xã hội thông qua mạng internet...
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hỗ trợ các dự án giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn. Anh Vũ Văn Thùy, nông dân trồng thanh long ở xã Bát Trang (huyện An Lão) cho biết, trước đây, gia đình trồng thanh long theo phương pháp truyền thống chỉ thu hoạch được quả vào chính vụ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm. Từ năm 2024 đến nay, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ dự án ứng dụng đèn Led trong sản xuất giúp việc thu hoạch quả kéo dài thời vụ đến dịp Tết, nhờ vậy giá trị kinh tế tăng gấp 2-3 lần so với việc không ứng dụng đèn Led. Bên cạnh đó, nhiều mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong các khâu sản xuất, tiêu biểu như mô hình nuôi cá sông trong ao; các mô hình nhà lưới, hệ thống tưới tự động trong trồng trọt; ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường trong nuôi trồng thủy sản, áp dụng công nghệ số trong chăn nuôi gà lông màu… là bước tiến mới trong hành trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tới gần hơn với nông dân.
Tích cực hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất
Chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông rõ ràng đem lại hiệu quả thiết thực, tuy nhiên việc ứng dụng hiện nay còn một số trở ngại từ phía cơ quan chức năng và nông dân. Cụ thể, về phía cơ quan chức năng, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng mới đáp ứng mức cơ bản, nên còn hạn chế trong công tác tham mưu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Hạ tầng công nghệ thông tin đầu tư cho hoạt động khuyến nông chưa đồng bộ; việc triển khai các giải pháp bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin còn hạn chế. Về phía nông dân, các dự án ứng dụng công nghệ số do kinh phí eo hẹp mới chỉ hỗ trợ nông dân 40-50% tổng mức đầu tư. Trong khi việc ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IOT) khá mới mẻ đối với nông dân, để đưa công nghệ này vào các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, phần đối ứng của nông dân còn cao nên khó khuyến khích được nhiều nông dân tham gia mô hình, đồng thời cũng khó nhân rộng...
Để việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động khuyến nông ngày càng phổ biến, thời gian tới, đội ngũ cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sẽ tiếp tục đồng hành người dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông sản an toàn giúp nông dân yên tâm sản xuất. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng có kế hoạch chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông theo từng giai đoạn, từ nay đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2025-2026, tập trung nâng cấp sàn thương mại điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ kết nối cung cầu, tích hợp sâu hơn công nghệ số vào quy trình khuyến nông; giai đoạn 2026-2027 kết nối dữ liệu hệ thống quản lý, giám sát các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt; giai đoạn 2027-2030 quản lý các quỹ về phát triển chương trình khuyến nông, quản lý các tiêu chuẩn chất lượng như hữu cơ, VietGAP, OCOP dưới hình thức trực tuyến...
Để thực hiện kế hoạch trên, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Đỗ Đức Hưng, cần có chính sách về đào tạo và nâng cao năng lực số cho nông dân trên cơ sở nông dân là chủ đạo trong các hoạt động chuyển giao từ khuyến nông, hướng dẫn nông dân gắn việc phát triển kinh tế với nhiệm vụ chuyển đổi số; đào tạo đội ngũ khuyến nông viên có khả năng sử dụng công nghệ số để hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn thông qua các nền tảng số. Xây dựng các mô hình khuyến nông điện tử dựa trên nền tảng số để tư vấn trực tuyến, điều khiển tự động hoá, xây dựng chính sách ưu đãi tín dụng cho hoạt động chuyển đổi số của khuyến nông...