Chú trọng hơn đến việc xử lý nước thải

11:33 SA 03/04/2025

(HPĐT)- Theo định hướng tại Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, đến năm 2030 thành phố Hải Phòng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt; hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Cụ thể hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 45 và Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, mỗi năm Hải Phòng ưu tiên dành hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với quan điểm là xây dựng, phát triển hạ tầng với những tiêu chí tiệm cận đô thị. Bên cạnh hạ tầng giao thông, thành phố cũng chú trọng cải thiện về môi trường, trong đó có việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải.

Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường trên địa bàn quận An Dương, thành phố Thủy Nguyên và 5 huyện Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải còn rất khiêm tốn. Ước tính lượng nước thải sinh hoạt, từ hoạt động của các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, dịch vụ thương mại, sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại 7 địa phương trên khoảng hơn 147.000 m3/ngày đêm. Phần lớn lượng nước thải này mới được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại trước khi xả ra môi trường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước thải không về được trạm xử lý hoặc chỉ xử lý với lưu lượng nhỏ là do hệ thống thu gom nước thải chưa bảo đảm cao trình, chưa đấu nối hoàn chỉnh từ hộ gia đình vào mạng lưới đường cống chính. Bên cạnh đó, 6 trạm xử lý nước thải tại 7 địa phương có tổng công suất thiết kế chỉ 4.641 m3/ngày đêm, trong đó 1 trạm không hoạt động, 2 trạm vận hành mới đạt khoảng 7-12% công suất thiết kế. Thực tế lượng nước thải được xử lý chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng nước thải phát sinh.

Từ thực trạng đó, năm 2025, UBND thành phố phê duyệt đề án thu gom, xử lý nước thải tại 7 địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, với các giải pháp toàn diện về thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn thành phố, cùng lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, giai đoạn đến năm 2030, thành phố tập trung triển khai đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải bảo đảm giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường tại các khu vực trong hệ thống thoát nước, bị ô nhiễm nguồn nước. Ưu tiên nguồn lực cho những công trình có khả năng thực hiện thuận lợi, hiệu quả cao trong thu gom, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường; cố gắng đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ, trước hết là đồng bộ với xây dựng đường phố, các khu nhà chuẩn bị xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Ngoài ra, theo sự phát triển kinh tế - xã hội, thành phố có thể triển khai đầu tư sớm các trạm xử lý thuộc các lưu vực còn lại có ảnh hưởng tới nguồn nước phục vụ các nhà máy sản xuất nước sạch và các khu vực phát triển đô thị mới. Giai đoạn sau năm 2030, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng công suất các trạm xử lý được đầu tư trước đó, đồng thời xây dựng thêm các trạm mới theo quy hoạch. Riêng tại quận An Dương và huyện Kiến Thụy, các trạm xử lý nước thải nhỏ lẻ sẽ được nâng cấp thành trạm bơm trung chuyển, đưa nước thải về các khu xử lý tập trung, tăng hiệu quả vận hành.

Bên cạnh nguồn ngân sách, thành phố khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư hoặc góp vốn phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Việc xã hội hóa các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giúp giảm áp lực với ngân sách nhà nước, tăng các nguồn lực xây dựng một Hải Phòng xanh, phát triển bền vững.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập