Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau các vụ án tranh chấp đất đai: Còn vướng mắc cần hướng dẫn giải quyết
Chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự huyện An Lão thực hiện thi hành án tại thửa đất của bà Nguyễn Thị Hợp, ở thôn Ngọc Chử 1, xã Trường Thọ (huyện An Lão). Ảnh: Thu Hằng
(HPĐT)- Thời gian qua, Báo Hải Phòng nhận được phản ánh của người dân về vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đăng ký cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khi bản án dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thực trạng này đặt ra yêu cầu các cơ quan liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ.
Khó cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bà Nguyễn Thị Hợp và ông Nguyễn Văn Thanh, cùng ở thôn Ngọc Chử 1 xã Trường Thọ (huyện An Lão) là chị em cùng mẹ khác cha, sinh sống cùng gia đình và 4 anh chị em khác từ nhỏ. Năm 2019, mẹ của các ông, bà trên qua đời, không để lại di chúc. Đến năm 2020, trước khi mất, bố của 2 ông, bà lập di chúc chia phần tài sản thừa kế là nhà và đất rộng 896 m2 ở xóm 2, thôn Trực Trang, xã Bát Trang cùng huyện cho bà Hợp và một người con trai khác. Tuy nhiên, ông Thanh không nhất trí với việc chia di sản đó nên tranh chấp đất đai với bà Hợp. Cực chẳng đã, bà Hợp gửi đơn khởi kiện chia di sản thừa kế tới TAND huyện An Lão để giải quyết dứt điểm vụ việc. Năm 2021, theo phán quyết của TAND huyện An Lão, ông Thanh được hưởng 76 m2 đất; bà Hợp được hưởng 312,53 m2; diện tích đất còn lại chia cho các người con khác. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, theo đề nghị của bà Hợp, sau nhiều lần vận động ông Thanh tự nguyện thi hành án không thành, nên ngày 6-6-2023, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện An Lão cưỡng chế thi hành. Đến nay, bà Hợp có nguyện vọng được cấp GCNQSDĐ đứng tên bà theo quyết định của TAND huyện An Lão. Tuy nhiên, ông Thanh không tự nguyện bàn giao GCNQSDĐ thửa đất mang tên bố mẹ cho bà và các cơ quan chức năng.
Bà Hợp bức xúc cho biết: Theo hướng dẫn của bộ phận một cửa Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) chi nhánh huyện An Lão, để được cấp GCNQSDĐ, hồ sơ bắt buộc phải có GCNQSDĐ bản gốc làm căn cứ chia tách theo bản án của tòa án. Bản án sơ thẩm dân sự chỉ tuyên chia thừa kế, không đề cập đến việc hủy hay buộc ông Thanh bàn giao GCNQSDĐ để thi hành án, trong khi ông Thanh không giao nộp GCNQSDĐ. Bà mong Chi cục THADS huyện An Lão, TAND huyện An Lão và VPĐKĐĐ chi nhánh huyện An Lão hướng dẫn, hỗ trợ trong việc cấp GCNQSDĐ.
Một vụ việc khác xảy ra trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, hơn 10 năm kể từ khi TAND huyện tuyên chia di sản thừa kế, nhưng các bên liên quan không thể tách GCNQSDĐ theo bản án. Cụ thể, theo bản án dân sự sơ thẩm tranh chấp thừa kế tài sản có hiệu lực từ tháng 4-2010, bà Nguyễn Thị Vân ở xóm 11, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) được các chị gái ủy quyền đại diện nhận 132 m2 đất ở trong tổng số 475 m2 đất tại xóm 11, cùng xã Lại Xuân do bố mẹ để lại. Nhưng do sơ đồ phân chia quyền sử dụng đất trong vụ án dân sự nêu trên lại không chính xác với thực tế sử dụng, nên bà Vân không thể làm thủ tục tách thửa theo bản án trên.
Cần có sự hướng dẫn giải quyết
Theo lãnh đạo VPĐKĐĐ chi nhánh huyện An Lão, trong thực tế, có nhiều trường hợp gặp vướng mắc như vụ việc của bà Hợp kể trên. Theo quy định pháp luật, để tách thửa, cấp GCNQSDĐ cần đầy đủ hồ sơ theo quy định, trong đó có GCNQSDĐ gốc. Nếu trong bản án, TAND không tuyên hủy, trả lại GCNQSDĐ có tranh chấp, đơn vị cũng không có cơ sở hoàn thành thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hủy và cấp lại, hoặc tách thửa.
Đây cũng là vướng mắc của cơ quan THADS. Theo Phó cục trưởng Cục THADS thành phố Lương Văn Lịch: Việc buộc chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ là một trong những biện pháp thi hành án phức tạp, mất nhiều thời gian nếu bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành. Đơn cử với giấy tờ không thể thu hồi được như GCNQSDĐ nhưng có thể cấp lại, theo Điều 116 Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản thi hành Luật này không quy định về việc cấp GCNQSDĐ trong thi hành án dân sự, do đó chưa thực hiện được trên thực tế.
Có thể nói, với những vụ án chia di sản thừa kế, khi các bên không hòa giải với nhau được mới dẫn đến khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, từ những vướng mắc phát sinh trong thực tế hiện nay, các cơ quan THADS, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh các quận, huyện và chính quyền các địa phương có liên quan sớm báo cáo, đề xuất TAND thành phố có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc nêu trên, từ đó áp dụng thống nhất trong việc hủy bỏ, cấp lại GCNQSDĐ, tách thửa trong các vụ án tranh chấp đất đai./.