Đẩy mạnh khám sàng lọc, phát hiện người mắc lao trong cộng đồng: Giải pháp để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035
(HPĐT)- Để tăng cường công tác phát hiện, quản lý điều trị người mắc bệnh lao trong cộng đồng, tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2035, Bệnh viện Phổi Hải Phòng phối hợp tổ chức Freundeskreis fur Internationale Tuberkulosehilfe e.V (FIT) tại Việt Nam đang triển khai kế hoạch khám sàng lọc lao và một số bệnh không lây nhiễm miễn phí với hàng nghìn người dân trên địa bàn các quận, huyện.
.png)
Mở rộng khám sàng lọc, phát hiện bệnh lao
Sáng 2-11, tại Nhà văn hóa Tổ dân phố Đẩu Phượng, phường Văn Đẩu (quận Kiến An), hàng trăm người dân có mặt từ sớm để các bác sĩ Bệnh viện Phổi Hải Phòng khám sàng lọc lao và một số bệnh không lây nhiễm. Người đến khám được cung cấp phiếu khám bệnh và tầm soát các triệu chứng của bệnh lao thông qua ứng dụng ACIS, chụp Xquang phổi kỹ thuật số, sàng lọc ung thư phổi sớm, đo chức năng thông khí phổi. Các bác sĩ cũng sàng lọc huyết áp, tiểu đường cho những người có nguy cơ cao, xét nghiệm tình trạng nhiễm lao cho người tiếp xúc với người mắc bệnh lao... “Thay vì phải tới bệnh viện, hôm nay tôi được các bác sĩ về tận địa phương khám sàng lọc miễn phí, thăm khám tư vấn xét nghiệm, đo chức năng phổi, chụp Xquang…, sau đó lại nhận được kết quả ngay sau khi khám sàng lọc”, ông Nguyễn Văn Phí, 67 tuổi cho biết.
Theo kế hoạch, trong tháng 10 và tháng 11, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Hải Phòng phối hợp tổ chức FIT tại Việt Nam khám sàng lọc lao và một số bệnh không lây nhiễm cho người dân các xã, phường, thị trấn ở quận Kiến An và huyện An Lão. Trường hợp được sàng lọc bao gồm toàn bộ người dân từ 50 tuổi trở lên, người tiếp xúc hộ gia đình hoặc tiếp xúc cộng đồng với người bệnh lao, người có triệu chứng hô hấp (ho, khó thở, tức ngực, mệt mỏi…), nhóm trường hợp có nguy cơ cao (mắc bệnh mạn tính, cán bộ y tế, người suy dinh dưỡng…). BSCK2. Phạm Trung Kiên, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Phòng cho biết, trước đây, người bệnh chỉ được phát hiện khi tới cơ sở y tế khám bệnh nhưng hiện nay các bác sĩ chủ động “đi tìm” người bệnh tại cơ sở. Sau khi khám sàng lọc, kết quả được bác sĩ thông báo nhanh tại chỗ tới người dân. Với những trường hợp dương tính với lao, người bệnh được hỗ trợ đăng ký điều trị theo đúng phác đồ chuẩn của Chương trình phòng, chống lao quốc gia, đồng thời được tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết. Qua đó, góp phần giúp người dân được phát hiện và điều trị bệnh lao kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.
Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Hải Phòng, tính từ đầu tháng 10 đến ngày 11-11-2024, bệnh viện triển khai 8.096 ca chụp X-Quang, trong đó có 576 ca bất thường nghi lao. Qua đó, xét nghiệm GeneXpert là 716 mẫu, trong đó có 21 mẫu Xpert dương tính không kháng và 1 mẫu Xpert dương tính kháng R, 5 mẫu vết, 1 ca chẩn đoán lâm sàng lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học.
Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao
Hiện nay, tỷ lệ mắc mới, tử vong do lao và các bệnh mạn tính, dù là mạn tính không lây, đang có xu hướng tăng. Tại Hải Phòng, tỷ lệ phát hiện lao mới đạt khoảng 60%, còn 40% chưa phát hiện được. Điều đó đồng nghĩa với việc các cơ sở y tế chưa quản lý, theo dõi, điều trị được người bệnh mắc lao. Vì thế, đây là nguồn lây lớn trong cộng đồng. Trong khi đó, người mắc bệnh lao phần lớn tập trung ở những người có thu nhập thấp, 70% số người bệnh trong độ tuổi lao động, thời gian điều trị lao kéo dài, chi phí điều trị tốn kém… Đây chính là một trong những thách thức lớn trong Chương trình Chống lao quốc gia. “Đó cũng là lý do ngành Y tế phối hợp tổ chức FIT tại Việt Nam- đối tác lâu năm của ngành để triển khai Dự án ECLIPSETB CARE với mong muốn tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của tất cả người dân, trong đó có nhóm người bệnh nghèo”, Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục cho biết.
Bệnh lao thường tiến triển âm thầm, từ từ, người dân ít khi có triệu chứng từ sớm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, chế độ ăn uống của người dân tốt nên các dấu hiệu gầy, sút cân không rõ ràng, thậm chí nhiều người đến khám không có dấu hiệu gì về lâm sàng, triệu chứng nhưng khi chụp Xquang thì có tổn thương phổi nghi lao và làm xét nghiệm đờm bằng phương pháp trực tiếp hoặc bằng phương pháp GeneXpert lại có vi khuẩn lao. Để hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 theo cam kết của Chính phủ, với vai trò đơn vị chủ lực trong công tác phòng, chống lao của thành phố, thời gian tới, Bệnh viện Phổi Hải Phòng tiếp tục phối hợp tổ chức FIT tại Việt Nam đưa xe chụp Xquang kỹ thuật số lưu động tới các địa phương để khám sàng lọc, phát hiện bệnh lao cho người dân. Qua phim chụp Xquang, nếu phát hiện các vấn đề về sức khỏe, nhân viên y tế kết nối trực tiếp với các bác sĩ tại bệnh viện để chẩn đoán. Những người nghi lao được tiến hành xét nghiệm lao bằng phương pháp GeneXpert - một phương pháp xét nghiệm hiện đại có độ chính xác cao hiện nay. Mục đích khi triển khai kế hoạch khám sàng lọc nhằm tăng số ca phát hiện, quản lý điều trị bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người dân.