Tảo mộ dịp Thanh minh: Giữ nét đẹp truyền thống
Hằng năm, vào dịp tiết thanh minh, phần lớn các gia đình đều dành thời gian đi viếng mộ người thân, thắp nén hương thơm trên bàn thờ tiên tổ. Nét đẹp truyền thống này được các gia đình Việt giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ, góp phần gắn kết tình cảm, phát huy tinh thần hiếu nghĩa.
Năm nay, thời tiết dịp thanh minh khá đẹp, nắng ấm, không mưa, thuận lợi cho việc đi lại. Hiện, phần mộ người đã khuất trên địa bàn thành phố được an táng theo phong tục của các địa phương tại các nghĩa trang của xã, phường, thị trấn. Đối với thành phố, có 2 nghĩa trang được quy hoạch có quy mô lớn là nghĩa trang Phi Liệt (thành phố Thủy Nguyên) và nghĩa trang Ninh Hải (quận Dương Kinh), trong đó, nghĩa trang Ninh Hải đã dừng tiếp nhận hung táng từ năm 2022 và dừng cát táng từ năm 2023. Dịp thanh minh năm nay, Công ty cổ phần phục vụ mai táng Hải Phòng tiếp tục tổ chức các chuyến xe đưa đón nhân dân đến thăm viếng, tảo mộ tập trung tại nghĩa trang Phi Liệt nơi đơn vị quản lý, tạo điều kiện cho các gia đình có nhu cầu.

Ngoài nghĩa trang tập trung lớn nhất thành phố, khu vực ngoại thành, phần lớn các xã đều có nghĩa trang riêng, thậm chí là nghĩa trang của thôn, xóm. Có những nghĩa trang từ lâu đời với hàng nghìn mộ phần. Gia đình anh Trần Văn Hoàng, xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Bảo) tổ chức tảo mộ cho người thân tại 3 xứ đồng cùng trên địa bàn xã. Do năm nay thanh minh không vào ngày nghỉ cuối tuần nên 6 anh chị em trong gia đình người ở thành phố, người ở quê không tập trung được đông đủ dâu, rể, con, cháu như mọi năm. Gia đình anh Hoàng là trưởng đời thứ 4, đang thờ cúng hơn 15 người nên phải phân chia nhau mỗi nghĩa trang 1-2 người mới kịp xong trước khi mặt trời đứng bóng.


Trước đây, các nghĩa trang mộ phần thường đắp đất, qua thời gian, mưa gió phần mộ bị trồi sụt, cỏ mọc lấp đầy nên dịp thanh minh, người dân thường mang cuốc xẻng, liềm đi rẫy cỏ, đắp đất thêm cho mộ đầy đặn. Ngày nay, điều kiện kinh tế phần lớn các gia đình tốt hơn nên mộ phần được xây dựng khá khang trang, sạch sẽ, có những khu lăng mộ gia đình rộng đẹp, xây “đồng bộ” mộ phần và trồng cây, trồng hoa, con cháu đi tảo mộ chủ yếu quét dọn sạch sẽ, đặt hoa, cắm hương hoặc trồng thêm cây, cỏ làm cảnh. Tiết thanh minh đi tảo mộ với ý nghĩa tâm linh nhiều hơn nên có gia đình đốt tiền vàng, cúng hoa quả tại mộ, có gia đình cúng lễ mặn…tùy theo mỗi nhà. Song trên hết, việc đi viếng mộ người thân dịp này là thể hiện lòng hiếu thảo, sự kính trọng và biết ơn đối với những người đã khuất.
Theo ông Nguyễn Đình Chỉnh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng (Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố), đi tảo mộ dịp thanh minh là nét đẹp truyền thống của các gia đình Việt từ xưa đến nay được duy trì qua nhiều đời. Nét đẹp đó nên tiếp tục được gìn giữ và phát huy để củng cố mối quan hệ gia tộc và ý thức về nguồn cộị, hướng đến sự đoàn kết trong gia đình, dòng tộc. Các gia đình con cháu thành tâm hướng về tổ tiên, có lòng hiếu kính với người đã khuất và người cao tuổi, sống hướng thiện, làm nhiều việc có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Trên hết, mỗi người hãy sống thật tốt, chăm lo báo hiếu cho cha mẹ, ông bà ngay từ khi còn sống bằng tấm lòng thơm thảo tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình.
Bài và ảnh: Lan Phương