Tạo việc làm đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự: Chủ động phối hợp, thông tin

03:39 CH 13/11/2024

(HPĐT)- Mỗi năm, trên địa bàn thành phố có hơn 2 nghìn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương. Đây là lực lượng lao động có tiềm năng vì bảo đảm điều kiện sức khoẻ, độ tuổi tuyển dụng. Do đó, Sở Lao độngThương binh và Xã hội tăng cường phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan để đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp đối với các trường hợp này.

 

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng phối hợp UBND quận Ngô Quyền tư vấn, giới thiệu việc làm đối với thanh niên xuất ngũ.

 

Còn nhiều hạn chế


 Theo Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Ngân, trước đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu tổ chức hoạt động tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp lồng ghép trong hội nghị tiếp xúc trước khi thanh niên lên đường nhập ngũ, hội nghị đón thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương… với thời lượng ngắn, bối cảnh không phù hợp, chưa thể hiện đầy đủ các nội dung về giáo dục nghề nghiệp, tài liệu tuyên truyền chưa phong phú, chưa đa dạng nên hiệu quả chưa cao, tỷ lệ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đăng ký học nghề gắn với giải quyết việc làm còn thấp. 


Ngoài ra, quy định tại Thông tư số 43 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng đầy đủ các điều kiện (quy định tại Nghị định số 61 của Chính phủ) được cấp 1 thẻ học nghề (có giá trị tối đa bằng 12 tháng lương cơ sở tại thời điểm học nghề và giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp). Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Hải Phòng Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời hạn sử dụng thẻ học nghề khá ngắn, nên phần lớn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương không tận dụng được giá trị, ý nghĩa của thẻ học nghề. Mặt khác, việc thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua thẻ học nghề đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương còn nhiều vướng mắc do việc phân cấp theo đơn vị chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nên việc sử dụng thẻ học nghề chưa thực sự hiệu quả.

 

Duy trì liên hệ thường xuyên, chặt chẽ 


Để tăng cường nắm bắt thông tin, ngày 10-6 vừa qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 3179 gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố… về việc phối hợp tăng cường công tác tư vấn học nghề đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Trong đó, Sở đề nghị các đơn vị xem xét, bố trí, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng được tiếp cận trước 3 tháng đối với các đơn vị quân đội có quân nhân chuẩn bị hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, để trao đổi nguyện vọng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, thông tin việc làm, rà soát, thống kê nhu cầu việc làm và dự kiến tuyển sinh đào tạo nghề ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương cho các lực lượng này.


 Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Văn Thấp, cán bộ Phòng Quản lý, Bộ Tham mưu Quân khu 3, do đặc thù lực lượng quân đội là tập luyện, sẵn sàng chiến đấu, do đó, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi có nhu cầu tư vấn, hướng nghiệp, cần xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể với thời gian trước từ 6 tháng đến 1 năm. Qua đó, các đơn vị chủ động hơn trong sắp xếp phối hợp tổ chức các Ngày hội tư vấn, huy động lực lượng tham gia và cung cấp thông tin, số điện thoại liên hệ của các thanh niên hoặc người thân để hỗ trợ các đơn vị giáo dục nghề nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm. 


Cùng với đó, mở rộng “đầu vào” tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần được các sở, ngành, địa phương quan tâm. Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên và đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Anh Thuấn thông tin, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường khảo sát nhu cầu nguyện vọng học nghề đối các học sinh cuối cấp ở bậc học THCS, THPT và thu thập thông tin từ cha mẹ học sinh nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phân luồng giáo dục nghề nghiệp, đồng thời giúp học sinh lựa chọn phương án phù hợp năng lực học tập và nhu cầu cá nhân. 


Trên cơ sở các ý kiến phản hồi từ các đơn vị, địa phương, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Cao Lân, thời gian tới Sở xây dựng kênh thông tin nội bộ (app, nhóm) kết nối, cung cấp thông tin trong công tác tuyển sinh nói chung, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng cùng tham gia tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị trong hỗ trợ đơn vị giải quyết các kiến nghị về tư vấn, giới thiệu việc làm đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương nói riêng. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập