Thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao: Đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đào tạo

11:31 SA 03/04/2025

(HPĐT)- Theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy về đổi mới và phát triển Trường đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 6- 12-2024, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 20/2024/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút giảng viên trình độ cao cho trường trong giai đoạn 2025- 2030. Đây là “đòn bẩy”, động lực quan trọng để Trường đại học Hải Phòng vừa thu hút, vừa “giữ chân” giảng viên có trình độ cao.

 

Thu hút giảng viên có trình độ cao là yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: ĐỖ HIỀN
 

Cơ chế hấp dẫn 

Theo Nghị quyết số 20 của HĐND thành phố, giảng viên Trường đại học Hải Phòng có quyết định tuyển dụng viên chức từ năm 2025 trở về trước và có ít nhất 1 năm công tác tại trường được hỗ trợ kinh phí đào tạo sau khi đạt trình độ tiến sĩ, đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 200 triệu đồng. Đối với các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ các ngành đào tạo mũi nhọn gồm: công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch – thương mại, công nghệ thông tin, phần mềm (trí tuệ nhân tạo, thiết kế chíp bán dẫn và AI, thiết kế vi mạch) và các ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, Nhật Bản được tiếp nhận hoặc tuyển dụng viên chức sau khi Nghị quyết số 20 có hiệu lực sẽ được hỗ trợ 500 triệu đồng khi đạt chuẩn chức danh giáo sư, được hỗ trợ 400 triệu đồng khi đạt chuẩn chức danh phó giáo sư và 300 triệu đồng đối với trường hợp được cấp bằng tiến sĩ. 

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng, ngay khi Nghị quyết được ban hành, nhà trường thông báo rộng rãi trên toàn quốc qua các kênh thông tin và qua đội ngũ cán bộ, giảng viên, tuy nhiên, đến nay, kết quả thu hút giảng viên theo chủ trương Nghị quyết số 20 còn khá khiêm tốn. Theo rà soát, nhà trường mới nhận được sự quan tâm của các giảng viên có trình độ tiến sĩ như: giảng viên ngành Luật, Tổ chức quản lý vận tải và gần đây có giảng viên đang làm việc tại Nga có trình độ phó giáo sư về lĩnh vực Công nghệ thông tin. Cũng bởi kết quả chưa đạt hiệu quả như mong muốn nên mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trường có hơn 35% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 20% giảng viên sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy khó đạt được. 

Về hỗ trợ giảng viên có trình độ cao, nhà trường triển khai quyết liệt, bài bản và đạt một số kết quả nổi bật. Từ năm 2024 đến nay, trường cử 15 giảng viên đi học nghiên cứu sinh, 2 giảng viên được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, 14 người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (trong đó có 2 tiến sĩ tại nước ngoài). Nhà trường phối hợp các đơn vị tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Anh, tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, bồi dưỡng kỹ năng cho giảng viên; thực hiện ký hợp đồng lao động toàn thời gian đối với 16 giảng viên trình độ cao (trong đó có 2 giáo sư, 11 phó giáo sư và 3 tiến sĩ). Bên cạnh đó, nhà trường tiếp nhận 5 chuyên gia nước ngoài (Hoa Kỳ, Hàn Quốc), sắp tới tiếp nhận thêm 1 chuyên gia Nhật Bản và 1 chuyên gia Hàn Quốc. Đồng thời, tiếp tục giao nhiệm vụ đến các chi bộ, các khoa, trong năm 2025, 2026 phải bảo đảm chỉ tiêu có 60 giảng viên là thạc sĩ đang giảng dạy các khoa đăng ký đi học nghiên cứu sinh.

Quan tâm, hỗ trợ giảng viên nâng cao trình độ 

Khó khăn, trở ngại đối với đội ngũ giảng viên khi có nhu cầu học tập nâng cao trình độ ở bậc tiến sĩ đó là ngoại ngữ đầu vào. Để giải quyết vấn đề này, ngoài các chương trình bồi dưỡng của thành phố mở để hỗ trợ nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho công chức, viên chức thành phố thì nhà trường có chính sách hỗ trợ giảng viên đi học văn bằng 2. Sắp tới, trường phối hợp Trung tâm Khảo thí đảm bảo chất lượng của Đại học Thái Nguyên tổ chức kiểm tra năng lực của giảng viên để có cơ sở tổ chức các lớp bồi dưỡng giúp giảng viên đủ điều kiện, đạt trình độ B2 (bậc 4) trong khung ngoại ngữ 6 bậc. Qua đó, bảo đảm chất lượng đầu vào, đủ điều kiện đi học nâng cao trình độ bậc tiến sĩ và các cơ sở giáo dục trong nước. Song song với đó, nhà trường thông báo tuyển cộng tác đối với giảng viên có trình độ cao, có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đã hoàn thành thời gian làm việc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Theo Thông tư 01, cơ sở giáo dục đào tạo được ký hợp đồng toàn thời gian với các nhà giáo, nhà khoa học có trình độ cao. Tháng 3- 2024, đội ngũ giảng viên của trường chỉ có 25% có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư, đến nay con số này tăng lên 32%. 

PGS, TS. Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Hải Phòng nhấn mạnh: Trường xác định nhân tố con người là yếu tố then chốt, quyết định sự đổi mới và phát triển của nhà trường. Thời gian tới, trường tiếp tục thông tin, quảng bá sâu rộng về chính sách ưu việt của Nghị quyết số 20 để thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là khi triển khai các ngành, chương trình đào tạo chất lượng cao. Đồng thời, trường hỗ trợ cán bộ, giảng viên đào tạo, nâng cao trình độ, có học vị tiến sĩ trong nước và nước ngoài, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, đồng thời, có giải pháp thu hút nhân tài từ bên ngoài, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia từ những địa phương khác, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập