Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chú trọng đột phá trong làm chủ kỹ thuật mới: Phấn đấu trở thành bệnh viện chuyên sâu của vùng Duyên hải Bắc bộ

09:49 CH 31/12/2023

 

Tính từ tháng 6 đến tháng 12-2023, các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp thực hiện thành công 4 ca ghép thận cùng huyết thống. 

 

(HPĐT)- Là “cánh chim đầu đàn” của ngành Y tế Hải Phòng, năm 2023 được xem là năm thành công của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp với nhiều đột phá trong ứng dụng kỹ thuật mới, chuyên sâu vào công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhân dịp năm mới, TS.BS ĐỖ MẠNH THẮNG, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp thông tin cụ thể hơn về các kết quả đạt được trong công tác này cũng như những định hướng phát triển mới của bệnh viện trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

 

- Với việc triển khai hàng loạt kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu năm 2023, trong đó đột phá là kỹ thuật ghép thận, đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả đạt được trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân?

 

- Năm 2023 là năm có nhiều sự đột phá của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp. Đây có thể nói là kết quả của cả quá trình chuẩn bị từ những năm trước đó. Đầu tiên phải kể đến chủ trương đúng đắn của Thành ủy, UBND thành phố, Sở Y tế giao cho bệnh viện tự chủ nhóm 1 từ năm 2017, trở thành bệnh viện đầu tiên của cả nước tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Bên cạnh đó là sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng ủy, Hội đồng quản lý, Ban giám đốc và toàn thể cán bộ, viên chức trong bệnh viện luôn đồng lòng, chung niềm trăn trở: “Chúng ta phải làm gì hơn nữa để phục vụ người dân thành phố ngày càng tốt hơn?”, từng bước vượt qua khó khăn, chung sức hướng tới tương lai.

Trong các đột phá của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, điển hình là triển khai thành công kỹ thuật ghép thận. Sau khi được Bộ Y tế chính thức cấp phép và công nhận là cơ sở y tế đủ khả năng thực hiện kỹ thuật cao này, ngày 6-6-2023, bệnh viện tiến hành ca ghép thận đầu tiên và tính đến ngày 19-12-2023, bệnh viện thực hiện thành công 4 ca ghép thận từ các cặp ghép cùng huyết thống. Mũi nhọn thứ 2 của bệnh viện là chuyên ngành can thiệp mạch tim và mạch não. Hiện nay, bệnh viện có 2 máy can thiệp mạch DSA hiện đại, cứu sống được hàng nghìn người bị nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tắc mạch não do huyết khối, nhất là những người bệnh đến bệnh viện trong “giờ vàng” hầu như được cứu sống và không để lại di chứng. Mũi nhọn thứ 3 là phẫu thuật vi phẫu các ngón tay, bàn tay đứt rời và trong vòng 2 năm qua, bệnh viện phẫu thuật gần 100 trường hợp.

 

- Để có sự thay đổi này, bệnh viện có sự chuẩn bị như thế nào về mọi mặt?

 

- Để có được những thành công đó, bệnh viện có thời gian dài chuẩn bị chu đáo 3 nhóm vấn đề, gồm: đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại và nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng cũng như sự hỗ trợ về chuyên môn từ các bệnh viện tuyến Trung ương.

Cụ thể, về nhân lực, chủ trương của Hội đồng quản lý, Ban giám đốc bệnh viện là thường xuyên cử các bác sĩ đi học các lớp ngắn hạn, dài hạn, thậm chí “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện tuyến Trung ương hoặc cử bác sĩ đi học ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ... Riêng để phẫu thuật ghép thận, bệnh viện cử ê-kíp gồm 41 bác sĩ, kỹ thuật viên lên Bệnh viện hữu nghị Việt Đức 8 tháng để thực hiện chuyển giao kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Các bác sĩ học xong trở về được giao nhiệm vụ triển khai các kỹ thuật mới và tạo điều kiện tối đa để phát huy hết khả năng làm việc của mình. Trong những năm gần đây, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp không có hiện tượng chảy máu chất xám.

Về mua sắm trang thiết bị, năm vừa qua, bệnh viện đầu tư mua sắm dàn máy DSA can thiệp mạch; mua thêm 1 máy chụp cắt lớp vi tính, nâng tổng số máy chụp cắt lớp lên 5 máy; mua thêm máy chụp cộng hưởng từ MRI hiện đại nhất hiện nay cũng như đầu tư thêm các dàn máy nội soi, mổ nội soi, siêu âm… Ngoài ra, bệnh viện nâng cấp, cải tạo, mở thêm các khoa hồi sức ngoại, thận nội tiết, xét nghiệm sinh học phân tử…; chỉnh trang khu vực ngoại cảnh ở cả 2 cơ sở. Bệnh viện cũng luôn kết hợp và nhận được sự hỗ trợ của các giáo sư đầu ngành tuyến Trung ương qua hội chẩn trực tuyến hoặc mời các chuyên gia về bệnh viện thăm khám, hội chẩn các ca bệnh khó.

 

Một số kết quả nổi bật của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp trong công tác khám, chữa bệnh năm 2023 đạt vượt mức kế hoạch Sở Y tế giao, gồm: công suất sử dụng giường bệnh đạt 139%; tổng số lượt khám, chữa bệnh 124,6%; tổng số lượt người bệnh nội trú 179,1%; tổng số ca phẫu thuật được thực hiện 115,4%; tổng số thủ thuật thực hiện 136%… Trong tổng số 14 chỉ tiêu Sở Y tế giao bệnh viện gồm các chỉ số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, bệnh viện đều vượt mức 100%.

 

- Trên cơ sở những kết quả đạt được, nhất là đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế, đồng chí có thể thông tin rõ hơn về định hướng phát triển của bệnh viện trong tương lai?

 

- Trong thời gian tới, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp bám sát 3 mục tiêu liên quan tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; rà soát, mua sắm các trang thiết bị mới; cải tạo, thành lập mới một số khoa, phòng trung tâm, bệnh viện chủ trương tiếp tục phối hợp các bệnh viện tuyến Trung ương để làm chủ các kỹ thuật mới, chuyên sâu. Về hợp tác quốc tế, vào tháng 3-2024, Bệnh viện sẽ cử 4 bác sĩ đi học ở Hàn Quốc để triển khai kỹ thuật phẫu thuật bằng rô bốt. Trong năm 2024, Trung tâm xét nghiệm sinh học phân tử của bệnh viện bắt đầu triển khai các dịch vụ, như: lấy máu xét nghiệm tại nhà, xét nghiệm chẩn đoán gien, rối loạn nhiễm sắc thể từ bào thai để phát hiện dị dạng thai nhi, phát hiện chuẩn đoán ung thư sớm. Trên cơ sở ký kết thỏa thuận hợp tác với một công ty của Hàn Quốc, đến tháng 6-2024, bệnh viện sẽ khai trương Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ phong cách Hàn Quốc tại Hải Phòng với các phục vụ chăm sóc da, phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật răng hàm mặt và sản xuất thuốc, nghiên cứu công nghệ mới về gien, tế bào gốc...

 

- Trân trọng cảm ơn đồng chí !