Mở rộng bán nông sản trên các nền tảng mạng xã hội: Quan trọng vẫn là chất lượng
(HPĐT)- Gần đây, nhiều nông dân, cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh giới thiệu, bán hàng nông sản trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó mang lại hiệu quả tạo thu nhập cao hơn cho người nông dân. Tuy nhiên, để hình thức bán hàng này hiệu quả bền vững, người sản xuất cần giữ uy tín trong cung ứng hàng hóa, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc của nông sản...
“Nông dân số”
Anh Vũ Văn Tăng, chủ trang trại tổng hợp ở xã Mỹ Đức (An Lão) cho biết, trang trại của anh có vị trí ven sông, trước đây là khu vùng trũng bỏ hoang ở địa phương nên đi lại không mấy thuận tiện, nhất là đưa sản phẩm gia cầm, thủy sản, rau đến người tiêu dùng. Vài năm gần đây, anh chủ yếu bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội như: zalo, facebook nên khá thuận tiện. Còn Giám đốc HTX nông nghiệp Thắng Thủy (Vĩnh Bảo) Cao Thị Hằng cho biết, hiện, trà hoa cúc của HTX không chỉ bán trong thành phố, mà còn được nhiều khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố bạn đặt mua online trên các sàn giao dịch điện tử.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Môi trường, gần đây, xu hướng nông dân, HTX và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng mở rộng. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính nối mạng internet, nông dân có thể tham gia các sàn giao dịch điện tử hoặc trực tiếp bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội như: zalo, facebook, tiktok... Một số doanh nghiệp, HTX, nông dân còn mạnh dạn thực hiện livestream để bán hàng. Chủ cơ sở sản xuất hoa Mây Xanh ở xã Tân Tiến (huyện An Dương) Phạm Văn Xanh cho biết: "Tôi thường xuyên giới thiệu, bán hàng qua livestream. Thông qua livestream ngay tại ruộng sản xuất, người mua thấy hình ảnh thật nhất của sản phẩm và sẽ đặt mua nếu có nhu cầu..".
Mong được hỗ trợ xúc tiến thương mại
Mặc dù bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đem lại hiệu quả thiết thực, nhưng thực tế hiện nay cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Một số trường hợp bán sản phẩm kém chất lượng hoặc hàng giả, hàng nhái có thể ảnh hưởng đến uy tín của những nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có sản phẩm uy tín, chất lượng... Chủ tịch Hội Nông dân phường Bàng La (quận Đồ Sơn) Nguyễn Trung Hiếu cho biết, sản phẩm táo Bàng La được nhiều người ưa chuộng. Năm 2025, dù táo Bàng La mất mùa, nông dân thu hoạch rất ít sản phẩm, nhưng nhiều người vẫn quảng cáo bán táo Bàng La trên các mạng xã hội. Đây chắc chắn đó không phải là sản phẩm của nông dân địa phương. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của táo Bàng La...
Để nông dân có thể tiếp cận các phương thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, cần có sự quan tâm, vào cuộc của các ngành chức năng trong hướng dẫn, hỗ trợ tham gia các kênh bán hàng chính thống. Giám đốc HTX mật ong Tùng Hằng Phạm Thanh Tùng (ở xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) cho biết, cơ quan chức năng thành phố kết nối giúp một số doanh nghiệp, HTX với tiktoker nổi tiếng để bán hàng qua mạng. Tại cuộc giao lưu chia sẻ kinh nghiệm và thực hành bán hàng, chỉ trong vài giờ đồng hồ, HTX bán được khá nhiều sản phẩm, người đặt hàng mua không chỉ có người dân thành phố mà mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát các hình thức bán hàng nông sản online hiện nay.
Phó trưởng Phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Hữu Cường cho rằng, bán hàng nông sản trên các nền tảng mạng xã hội sẽ là xu hướng phổ biến trong thời gian tới. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và Môi trường có kế hoạch về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, ngành phối hợp với sàn thương mại điện tử để kết nối, giới thiệu hơn 300 mã sản phẩm của hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản lên các sàn thương mại điện tử (postmart, voso…). Đồng thời, ngành cung cấp danh sách các sản phẩm OCOP từ 3 sao, đưa 10 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của thành phố, xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn để bán trên các sàn thương mại điện tử phục vụ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng thành phố và các tỉnh, thành phố bạn.
Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nông dân, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX để mở rộng xu hướng bán hàng trên thực tế cần tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, phát triển sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, luôn phải trung thực trong các phương thức bán hàng online bằng cách quảng cáo và bán sản phẩm đúng chất lượng, uy tín với khách hàng...; đồng thời chủ động sản xuất các sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.