Bảo đảm giá sách giáo khoa hợp lý

10:05 SA 12/03/2024

(HPĐT)- Giá sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến 12 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ được giảm từ 10- 24% trong năm học 2024-2025- thông tin vừa được lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội. Đây là một trong những đơn vị có thị phần SGK lớn nhất kể từ khi Việt Nam thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, bỏ độc quyền xuất bản, nhiều đơn vị cùng tham gia biên soạn và phát hành sách.

 

Theo lộ trình thực hiện, từ năm học 2020-2021, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình) bắt đầu được áp dụng; đến năm học 2024-2025 sẽ “phủ sóng” toàn bộ từ khối 1-12. Tuy nhiên, giá SGK mới theo Chương trình cao gấp nhiều lần so với SGK hiện hành, gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử, theo công bố của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá bộ SGK lớp 3 từ 177.000-183.000 đồng/bộ, SGK lớp 7 gần 210.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh), SGK lớp 10 từ 246.000- 301.000 đồng/bộ (tuỳ thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập học sinh lựa chọn)... Nếu so với giá SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, giá sách chương trình mới tăng gấp 2-3 lần. 

SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu, tác động đến hàng triệu gia đình. Hải Phòng có khoảng hơn 500.000 học sinh các cấp học. Vào đầu mỗi năm học mới, ngoài tiền đồng phục, các loại tiền quỹ lớp, quỹ trường..., mỗi gia đình phải “đội thêm” từ vài trăm nghìn đến gần triệu đồng tiền SGK. Đây quả là gánh nặng không nhỏ, nhất là với những gia đình đông con, ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo... điều kiện kinh tế khó khăn. Là đơn vị chiếm thị phần SGK lớn, chắc chắn chi phí các gia đình dành để mua sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không nhỏ. Với việc giảm 10-24% cho mỗi bộ sách, vào năm học 2024-2025 tới, các gia đình ở Hải Phòng có thể tiết kiệm hàng tỷ đồng. Nhìn rộng ra cả nước, con số này có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.

 Tuy nhiên, đây mới là giải pháp của một đơn vị xuất bản và áp dụng cho năm học 2024-2025. Điều dư luận mong chờ là giải pháp bền lâu để giảm gánh nặng cho các gia đình vào mỗi đầu năm học cần rộng và quyết liệt hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng và ngành Giáo dục. Việc Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi), quyết định áp giá trần đối với SGK từ ngày 1-7-2024 được coi như “cây gậy pháp lý” kiểm soát giá cả, tránh việc giá sách có thể tiếp tục bị nhà xuất bản đẩy lên cao bởi nhiều hạng mục khó định giá theo thị trường trong khâu biên soạn như nhuận bút cho tác giả, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới người dân, nhất là người thu nhập thấp. Căn cơ vẫn là trên cơ sở xã hội hóa, Nhà nước vận động những tập đoàn kinh tế lớn hỗ trợ kinh phí khâu biên soạn, bản thảo. Mặt khác, các bộ, ngành và địa phương có sự quan tâm thích đáng qua cơ chế trợ giá, vận động các nguồn lực xã hội hoá hỗ trợ mua sách trang bị cho thư viện trường để học sinh hoàn cảnh khó khăn mượn, sử dụng. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch thông tin về giá sách, vật tư, thiết bị giáo dục, xử phạt nghiêm những trường hợp đẩy giá để trục lợi. Cùng với đó, các nhà xuất bản cần rà soát, tiết giảm chi phí trong quy trình biên soạn, in ấn, phát hành. Có như vậy, chi phí SGK mới thực sự hợp lý, đáp ứng mong muốn của đại bộ phận gia đình học sinh.