Nghệ thuật ca trù Hải Phòng: Nhiều tín hiệu vui
(HPĐT)- Đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm nghệ thuật ca trù được tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp (1-10-2009 - 1-10-2024), 3 ca nương trẻ được Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng trao chứng chỉ sơ cấp nghệ thuật biểu diễn ca trù. Đây là tín hiệu vui cho thấy bộ môn nghệ thuật truyền thống này đang dần được khôi phục trong đời sống văn hóa nghệ thuật thành phố.
Nỗ lực phục dựng, bảo tồn
Sáng 23-11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và 15 năm nghệ thuật ca trù được tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, Giáo phường ca trù Hải Phòng tổ chức chương trình trình diễn nghệ thuật ca trù tại đình Hàng Kênh (quận Lê Chân). Có mặt tại chương trình, bà Nguyễn Thị Bích, ở thôn Đồng Mát, xã Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên) cho biết, bản thân yêu thích bộ môn nghệ thuật ca trù, khi biết tới chương trình biểu diễn, bà không quản ngại đường xa, cùng với người thân đến đình Hàng Kênh để thưởng thức. Trong không gian văn hóa của di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia đình Hàng Kênh, tiếng trống cầm chầu, tiếng đàn, nhịp phách khi khoan, khi nhặt, giọng hát ca nương trẻ cất lên như khẳng định sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật ca trù trong đời sống văn hóa hôm nay.
Chia sẻ về những nỗ lực bảo tồn nghệ thuật ca trù tại Hải Phòng, NSƯT Đỗ Quyên, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Hải Phòng cho biết: 15 năm trước, giáo phường có 32 hội viên tham gia sinh hoạt, gồm 2 kép đàn, 7 đào nương, 5 quan viên, 8 ca nương trẻ và 10 hội viên. Đến nay, giáo phường có 1 NSƯT, 3 nghệ nhân ưu tú, 9 nghệ nhân dân gian. Giáo phường tổ chức 12 cuộc biểu diễn trong 1 năm, tham gia chương trình Liên hoan ca trù toàn quốc đoạt nhiều huy chương, bằng khen… Qua đó, khẳng định vị trí nổi bật của Ca trù Hải Phòng trong các cuộc liên hoan Ca trù toàn quốc. Đó cũng là động lực thúc đẩy các nghệ nhân, kép đàn, quan viên, đào nương thêm khí thế, nhiệt huyết học tập và rèn luyện. Các bạn trẻ yêu mến bộ môn nghệ thuật ca trù tìm đến và theo học tại giáo phường ngày một nhiều hơn.
Một dấu mốc trong hành trình phục dựng, bảo tồn nghệ thuật ca trù của giáo phường là sau Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2014, giáo phường được nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Đẹ (tỉnh Hải Dương) truyền dạy lối hát cửa đình với 14 thể cách, chia thành 5 lớp biểu diễn. Không quản ngại nắng mưa, đường xá xa xôi, các thành viên của Giáo phường ca trù Hải Phòng tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, ở thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) học tập trong 4 tháng. Sau khi trình diễn 14 thể cách ca trù của lối hát cửa đình tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Hàng Kênh, nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ ghi lưu bút công nhận giáo phường ca trù Hải Phòng học lối hát cửa đình đạt chuẩn trong niềm vui khôn tả của các đào nương, kép đàn, quan viên giáo phường. Từ năm 2024, giáo phường phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng đưa lối hát cửa đình biểu diễn tại đình Hàng Kênh để góp phần bảo tồn và gìn giữ canh hát đặc trưng của nghệ thuật ca trù.
Lan tỏa trong cộng đồng
Cùng với những nỗ lực phục dựng và bảo tồn, thời gian qua, các thành viên Giáo phường ca trù Hải Phòng không ngừng cố gắng để lan tỏa bộ môn nghệ thuật ca trù trong cộng đồng, để nhân lên sức sống của nghệ thuật này. Từ năm 2015, Giáo phường ca trù Hải Phòng phối hợp Ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân) đưa ca trù vào trường học. Từ khóa học ca trù đầu với sự tham gia học tập của 17 học sinh, đến nay, giáo phường thực hiện 6 khóa đào tạo, với sự tham gia của 100 học sinh. Trong số này, có 10 cháu tham gia hoạt động tại các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn thành phố. Để tạo không gian sinh hoạt nghệ thuật ca trù cho các cá nhân yêu thích nghệ thuật ca trù, giáo phường xây dựng 3 câu lạc bộ ca trù, gồm: Câu lạc bộ ca trù nhí Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, Câu lạc bộ ca trù quận Ngô Quyền và Câu lạc bộ ca trù Vương triều Mạc (huyện Kiến Thụy).
Từ năm 2017, tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Hải Phòng đào tạo bộ môn nghệ thuật ca trù ở trình độ sơ, trung cấp. NSƯT Đỗ Quyên, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Hải Phòng tham gia làm chủ nhiệm lớp đào tạo trình độ sơ - trung cấp bộ môn nghệ thuật ca trù. Đến nay, 5 học viên của lớp hoàn thành khóa học và tiếp tục tham gia sinh hoạt, biểu diễn bộ môn nghệ thuật ca trù.
Phát biểu tại chương trình biểu diễn ca trù nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11) tại đình Hàng Kênh, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Hải Phòng Phạm Đức Toàn cho biết: Cùng với mở lớp chuyên ngành đào tạo nghệ thuật ca trù, trường hướng tới đưa nghệ thuật ca trù cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác trở thành nội dung học tập chính thức trong chương trình đào tạo của nhà trường để các học viên có kiến thức về nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trước khi lựa chọn chuyên ngành học chuyên sâu sau này.