Đưa hát xẩm vào biểu diễn: Sức sống của nghệ thuật truyền thống
(HPĐT)- Những năm gần đây, người dân thành phố Cảng dần quen với việc ngày xuân có tiếng hát xẩm ở những hội làng, hội chùa, những hoạt động cộng đồng. Không chỉ thực hành, biểu diễn trên sân khấu, trong các lễ hội truyền thống mà hát xẩm còn được truyền dạy trong các lớp học, câu lạc bộ sở thích…

Lan tỏa chiếu xẩm ngày xuân
Những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, du khách đến thành phố Hải Phòng không khỏi ngạc nhiên khi dễ dàng gặp “chiếu xẩm” ngay giữa nội thành hoặc những hội chùa, hội làng ở thành phố miền cửa biển này. Những giai điệu mộc mạc, gần gũi cùng tiếng nhị, tiếng phách, hòa trong không khí của ngày xuân thật hấp dẫn và lôi cuốn. Dừng chân nghe hát xẩm ở dải trung tâm thành phố, anh Trần Xuân Đại, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong cuộc sống hối hả, ngược xuôi hiện nay, ít khi gia đình tôi có thời gian để thưởng thức các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, nhất là hát xẩm. Khi đến với Hải Phòng, thảnh thơi dạo bước tại dải trung tâm thành phố, lại được nghe, được xem các nghệ nhân dân gian biểu diễn hát xẩm khiến tôi cảm nhận một không gian văn hóa xưa cũ, thấy thời gian dường như lắng đọng lại, cho tôi có những phút giây thư thái trong những ngày đầu năm mới…”. Những “chiếu xẩm” không chỉ xuất hiện thường xuyên ở khu vực trung tâm thành phố mà còn xuất hiện nhiều hơn ở những hội làng, hội chùa vùng ngoại thành. Về hội chùa Quang Khánh (quận An Dương), nghe làn điệu hát xẩm, chị Nguyễn Thúy Nga, người dân sinh sống tại đường Cầu Đất (quận Ngô Quyền) như thấy được không gian “văn hóa làng” xưa cũ. “Tôi thấy những làn điệu hát xẩm với lời văn mộc mạc, có đôi chỗ dí dỏm, vần điệu với nhịp đàn, nhịp phách rất hấp dẫn người nghe. Tôi mong muốn những chiếu xẩm được tổ chức thường xuyên hơn để nghệ thuật truyền thống mãi lan tỏa trong cuộc sống đương đại…”, chị Thúy Nga bày tỏ.
Các “chiếu xẩm” lan tỏa tới thế hệ trẻ qua các câu lạc bộ sở thích, trường học. Tại Liên hoan “Nhạc cụ dân tộc và hát dân ca” lần thứ nhất, năm 2025 do Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố vừa tổ chức, trong tổng số hơn 60 tiết mục thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống, các tiết mục hát xẩm có số lượng lớn và đạt nhiều giải cao. Xuất sắc giành giải nhất với tiết mục “Hải Phòng xưa” (Lời: NSƯT Hồng Minh, lồng điệu: NNDG Bá Linh), em Nguyễn Đỗ Huyền Anh, học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) chia sẻ: “Hát xẩm giúp chúng em hiểu và thêm yêu nghệ thuật truyền thống. Em mong muốn mang làn điệu dân ca của dân tộc mình đến với người dân, du khách nhiều hơn nữa…”.
Nét đặc trưng trong các làn điệu riêng
Hát xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt, nhất là tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, như: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… Loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, với cuộc sống phồn hoa nơi thị thành và kẻ chợ. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Việt Ngữ công bố năm 1964, hát xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ, xẩm xoan (Chênh bong), huê tình (riềm huê), xẩm nhà trò (ba bậc), nữ oán (Phồn huê), hò bốn mùa, hát ai, thập ân. Mỗi làn điệu ấy biểu hiện một khía cạnh tình cảm, với cách thưởng thức riêng. Tùy theo không gian biểu diễn và người thưởng thức mà nghệ nhân hát xẩm trình bày những làn điệu riêng. Trong các tư gia, gánh xẩm sẽ hát những bài ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên, công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như “Xẩm thập ân”, “Ngãi mẹ sinh thành”...
Cùng trong dòng chảy âm nhạc dân gian, hát xẩm ở Hải Phòng chứa đựng nét đặc trưng trong các làn điệu riêng. Người có công thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát xẩm Hải Phòng và góp nhiều công sức cho việc bảo tồn, quảng bá nghệ thuật xẩm là NNDG Đào Bạch Linh (Bá Linh). “Phải lòng” hát xẩm từ nhỏ, từ năm 2002, cứ cuối tuần là chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội lại lặn lội cả trăm cây số về xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình để học đàn, học hát từ nghệ nhân Hà Thị Cầu và kiên trì theo học đến khi cụ qua đời. Năm 2009, chuyển công tác từ Hà Nội về Hải Phòng, Đào Bạch Linh mang theo cả niềm đam mê hát xẩm và lan tỏa trong cộng đồng tại thành phố Cảng. Từ những thành viên ban đầu, cuối năm 2011, anh thành lập CLB hát xẩm Hải Thành (hay còn gọi là chiếu xẩm Hải Thành), 1 trong 3 chiếu xẩm lớn nhất cả nước thời điểm đó. Đến nay, nhiều CLB hát xẩm đã được thành lập tại các địa phương; trong đó, đều có sự hỗ trợ của nghệ nhân Đào Bạch Linh. Qua các kỳ liên hoan hát xẩm tỉnh Ninh Bình mở rộng, CLB hát xẩm Hải Phòng đều giành giải cao. CLB cũng thành công trong phục dựng ngày Giỗ tổ nghề, trở thành hoạt động thường niên, thu hút nhiều CLB hát xẩm ở các địa phương tham gia. Bên cạnh đó, từ năm 2012, NNDG Đào Bạch Linh bắt đầu đưa hát xẩm vào dạy tại Trường Khiếm thị Hải Phòng và đến năm 2019, anh tiếp tục phối hợp với Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng mở lớp dạy hát xẩm cho sinh viên. Lần đầu tiên hát xẩm vào học đường và được dạy thành một khóa học, được cấp chứng chỉ.
Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người, hát xẩm lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch, vào trường học, có sức sống và lan tỏa trong đời sống tinh thần của người dân. Đây là nỗ lực rất lớn của CLB hát xẩm Hải Phòng nói riêng và các nghệ nhân hát xẩm nói chung trong gìn giữ và trao truyền vốn văn hóa quý báu của cha ông.