Giúp ngành đóng tàu vươn ra biển lớn

08:16 SA 22/05/2024

(HPĐT)- Đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5- 1955 - 13-5-2024), Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu xuống nước tàu hàng rời có tải trọng 65.000 tấncon tàu lớn nhất từ trước đến nay được doanh nghiệp Việt Nam đóng mới. Trị giá hơn 35 triệu USD, còn tàu là kết quả từ sự nỗ lực, quyết tâm trong suốt 2 năm của hơn 500 cán bộ, kỹ sư và công nhân công ty. Đồng thời, đơn vị cũng đặt ky để tiếp tục đóng chiếc tàu 65.000 tấn số 2.

Cũng trong tháng 5, Công ty đóng tàu Phà Rừng xuống nước tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 13.000 tấn, là chiếc đầu trong loạt 8 tàu trọng tải 13.000 tấn đóng mới cho đối tác Hàn Quốc, được đặt tên là BS Hải Phòng. Con tàu mang tên BS Hải Phòng khẳng định sự tin tưởng của Tập đoàn BS Tanker đối với Công ty đóng tàu Phà Rừng, dấu ấn mang ý nghĩa biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa thành phố Hải Phòng và thành phố Busan nói riêng, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc nói chung.

 Đây là tín hiệu khởi sắc đáng mừng đối với ngành công nghiệp đóng tàu của thành phố, cũng như của Việt Nam sau hơn chục năm “thăng trầm”, vật lộn với khó khăn của quá trình tái cơ cấu. Theo trang Insider Monkey (Mỹ) xếp hạng danh sách tốp 15 quốc gia dẫn đầu về đóng tàu trên thế giới, dựa trên dữ liệu tại hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 5.

 Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vẫn chiếm ưu thế lớn; nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu ở trong nước và thế giới tiếp tục tăng cao. Với lợi thế cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc, Hải Phòng có truyền thống, thương hiệu về ngành công nghiệp đóng tàu, nhiều tiềm năng, dư địa phát triển để đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đặt mục tiêu phát triển nền công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, với tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 41,9%. Thành phố chú trọng cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, trong đó công nghiệp cơ khí chế tạo ưu tiên phát triển các sản phẩm ô tô, cơ khí siêu trường, siêu trọng, tàu thủy, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế.

Năm 2024, HĐND thành phố thực hiện giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó giám sát tại Công ty CP đóng tàu Thái Bình Dương. Ngành công nghiệp đóng tàu của Hải Phòng có những chuyển đổi, khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, khó khăn chung với ngành đóng tàu hiện nay là vốn đầu tư lớn, đòi hỏi thiết bị, công nghệ đặc thù, song việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng vẫn có nhiều rào cản; còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại nên cần sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; nhân lực ngành đóng tàu vẫn thiếu và yếu...

Vì thế, để ngành công nghiệp đóng tàu của thành phố nắm bắt cơ hội, phát triển mạnh mẽ, rất cần giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, thành phố về ưu đãi vốn vay; khuyến khích hợp tác, liên doanh, liên kết, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đóng tàu chất lượng cao. Doanh nghiệp đóng tàu cũng cần nỗ lực hơn nữa, thực hiện chuyển đổi, tái cơ cấu mạnh mẽ để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, chú trọng bảo đảm quy định về môi trường, an toàn lao động... tạo uy tín, niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập