Ngành Giáo dục nỗ lực tự vượt khó

10:15 SA 21/11/2024

(HPĐT)- Giữ chân đội ngũ, hạn chế tình trạng dịch chuyển giáo viên ngoài công lập để ổn định nhân sự, tạo nền tảng cho giáo dục tư thục, nhất là phân khúc trung bình và nhỏ phát triển bền vững là một trong những vấn đề được bàn luận sôi nổi tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn Hải Phòng mới đây.


 Theo phản ánh của các nhà đầu tư, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các trường THPT, trường liên cấp tư thục, thực tế nhiều trường ngoài công lập là nơi đón nhận giáo viên trẻ mới ra trường. Trải qua thời gian công tác, các giáo viên dần tích lũy kinh nghiệm. Khi ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi tuyển biên chế, những người trúng tuyển sẽ không ngần ngại “dứt áo” đầu quân cho khối công lập. Điều đáng nói, thời điểm họ xin chuyển công tác thường vào tháng 10, 11, đã hết nửa học kỳ 1, trong khi ngay từ tháng 8 các trường xây dựng xong kế hoạch giảng dạy, phân công giáo viên đứng lớp. Biến động này khiến các trường ngoài công lập bị động, khó khăn trong tuyển dụng mới, cũng như sắp xếp giáo viên “chữa cháy”. Bên cạnh đó, những năm gần đây liên tiếp nhiều tập đoàn giáo dục lớn, có tiềm lực mạnh trong và ngoài nước đến Hải Phòng đầu tư cơ sở giáo dục. Do vậy, cạnh tranh nhân lực cũng diễn ra sôi động ngay trong khu vực ngoài công lập, mà phần yếu thế thường nghiêng về phân khúc trung bình và nhỏ. Việc thiếu giáo viên gây áp lực với các nhà trường trong phân công, sắp xếp chương trình giảng dạy; đội ngũ giáo viên còn lại bị quá tải, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, dẫn đến bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. 


Cần ghi nhận thời gian qua, giáo dục ngoài công lập có đóng góp không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, giảm gánh nặng ngân sách thành phố, giảm tải áp lực cho trường công, bảo đảm an sinh xã hội. Riêng năm học 2024-2025, hệ thống trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu học tập của gần 25% tổng số học sinh THPT toàn thành phố. Hệ thống trường tư còn góp phần xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, tạo công việc và thu nhập cho nhiều giáo viên, người lao động, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Sự tồn tại song song hai loại hình công lập và ngoài công lập còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, thành phố có những cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo dục ngoài công lập. HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 04 thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở mầm non tư thục, dân lập ở địa bàn có khu công nghiệp 1 triệu đồng/tháng (gấp 1,25 so với Nghị định 105 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non). Theo Nghị quyết số 54/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn Hải Phòng, học sinh ngoài công lập cũng được hỗ trợ 100% học phí... 


Để tiếp tục phát triển bền vững trong môi trường mang tính cạnh tranh, bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, giáo dục ngoài công lập cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên tinh thần nỗ lực tự vượt khó. Trước hết, có cơ chế thu hút giáo viên với mức đãi ngộ thỏa đáng, thậm chí nhỉnh hơn mặt bằng khối công lập để giữ chân người tài. Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường làm việc, tạo thuận lợi cho giáo viên sáng tạo và cống hiến; tôn vinh những người tận tụy, cống hiến, có chính sách khuyến khích, động viên khen thưởng kịp thời... Để tạo lợi thế riêng, các trường ngoài công lập có thể tính đến cơ chế hỗ trợ nhà ở, thuê trọ đối với giáo viên ở xa, giáo viên tỉnh ngoài hoàn cảnh khó khăn. Có như vậy mới thu hút, giữ chân được người tài, ổn định đội ngũ, duy trì kế sách phát triển bền vững.

 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập