Ngăn chặn “đốm lửa” Bangladesh lan rộng

04:07 CH 23/08/2024

(HPĐT)- Cuộc khủng hoảng chính trị tại Bangladesh tạm lắng sau khi Chính phủ lâm thời tuyên thệ nhậm chức. Tuy nhiên, những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này vẫn khó dự đoán, tạo ra mối lo ngại chung đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các cường quốc.

Nhiều cửa hàng bị đốt cháy ở thủ đô Dhaka, Bangladesh ngày 4-8. Ảnh: AP

 

“Giọt nước tràn ly”

Việc bà Sheikh Hasina, con gái của nhà lập quốc Bangladesh phải từ chức, vội vã bay sang lánh nạn tại Ấn Độ sau 15 năm làm Thủ tướng khiến đất nước 174 triệu dân ở Nam Á càng chìm sâu vào bất ổn.

Các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát tại Bangladesh từ tháng 7 vừa qua sau khi Tòa án tối cao nước này khôi phục hạn ngạch dành riêng tới 30% việc làm của chính phủ cho người thân của những cựu chiến binh tham gia vào cuộc chiến giành độc lập từ Pakistan năm 1971. Hệ thống hạn ngạch “đặc quyền” này do Thủ tướng lúc bấy giờ là Sheikh Mujibur Rahman thiết lập, cha của bà Sheikh Hasina, như chính sách ghi nhớ công lao những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, con cháu của những cựu chiến binh đấu tranh giành tự do chỉ chiếm khoảng 0,12% đến 0,2% của 174 triệu dân trong khi có tới 18 triệu thanh niên thất nghiệp. Bởi thế, việc chính phủ của Thủ tướng Hasina đưa ra chính sách duy trì hạn ngạch như “giọt nước tràn ly”, khiến sự bất bình âm ỉ từ lâu trong xã hội, nhất là trong thanh niên bùng phát thành bạo động lan rộng.

Cuộc khủng hoảng mang tên “Hạn ngạch viên chức” mang nhiều màu sắc giống như cuộc cách mạng “Mùa Xuân Arab” cách đây 14 năm tại một loạt quốc gia Arab Hồi giáo ở Trung Đông, Bắc Phi. Những người biểu tình lên án chính phủ sử dụng vũ lực quá mức đối với những người phản đối ôn hòa. Theo đó, hơn 400 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ đầu tháng 7 đến nay.

Trước làn sóng bạo động leo thang nghiêm trọng, ngày 6-8, Tổng thống Mohammed Shahabuddin tuyên bố giải tán Quốc hội. Tổng thống quyết định trả tự do cựu Thủ tướng Khaleda Zia, Chủ tịch Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) cùng tất cả những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình trước đó. Ngày 7-8, Tiến sĩ Muhammad Yunus, 84 tuổi, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 nhờ giúp hàng triệu người ở vùng quê Bangladesh thoát nghèo bằng các khoản vay nhỏ trị giá dưới 100 USD, được sự đồng thuận của các phe phái cử làm người đứng đầu chính phủ lâm thời của Bangladesh nhằm tạm xoa dịu tình hình.

 

Diễn biến khó lường

Tuy tình hình căng thẳng tại Bangladesh tạm lắng xuống, nhưng việc thành lập chính phủ mới vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định, cuộc khủng hoảng vừa qua và việc thành lập chính phủ mới tại quốc gia Nam Á này liệu có bàn tay can thiệp từ Mỹ và phương Tây?

Nhận định này có nguyên do từ Chính phủ Bangladesh thường sử dụng các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nước này, nhưng chiến lược cân bằng các cường quốc khiến họ phải hy sinh nhiều thành tựu kinh tế. Để đạt được cái gọi là sự cân bằng giữa các cường quốc, nhiều dự án kinh tế cũng được phân bổ giữa các cường quốc, hoặc một số dự án rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân cũng như sinh kế của người dân bị bỏ dở hoặc hoãn lại do sự cản trở và phản đối của một số cường quốc trong và ngoài khu vực.

Nhưng nếu đánh giá từ góc độ lợi ích, rõ ràng việc bà Hasina buộc phải rời khỏi chính trường là điều có lợi đối với Mỹ và phương Tây, bởi chính phủ của bà Hasina có xu hướng nghiêng về phía Ấn Độ và Trung Quốc. Có thể thấy sức mạnh của sự ủng hộ của truyền thông Mỹ và phương Tây đối với phong trào quần chúng ở Bangladesh. Có sự gia tăng đáng kể các báo cáo cho rằng chính phủ Mỹ và phương Tây cũng như các tổ chức nhân quyền đã yêu cầu quân đội không đàn áp phong trào này.

Hiện, mặc dù có một số phe phái cực đoan hơn kêu gọi tiếp tục phong trào “đảo chính” cho đến khi quyền lực được chuyển giao cho sinh viên và nhân dân lao động, lật đổ toàn bộ giai cấp quyền lực, nhưng có vẻ sẽ khó thành công. Vì mục tiêu của phong trào đã đạt được là việc lật đổ chính phủ của bà Hasina nên sự gắn kết của phong trào quần chúng không còn nữa.

Các nhà phân tích đánh giá, dù những diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng tại Bangladesh như thế nào thì vẫn sẽ tạo ra mối lo ngại chung đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhất là các cường quốc. Đó là, chính phủ mới lên nắm quyền ở Bangladesh sẽ tiếp cận với các nước lớn theo cách như thế nào. Hơn nữa, bên cạnh Bangladesh, ở Myanmar cũng đang tồn tại “lò lửa khủng hoảng”, sự mất kiểm soát ở Bangladesh có thể khiến tình hình an ninh ở Nam Á và Đông Nam Á trở nên phức tạp và khó lường hơn.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập