Dồn lực thi công để “về đích” đúng hẹn

12:15 CH 01/04/2025

(HPĐT)- Tại chương trình làm việc với thành phố Hải Phòng về công tác phòng, chống bệnh sởi, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế và một số đơn vị báo cáo việc triển khai công tác y tế khi thực hiện chủ trương của Trung ương về xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo báo cáo của ngành, qua đánh giá thực tế, ngoài các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, hiện trên địa bàn Hải Phòng có một số trung tâm y tế hai chức năng (vừa thực hiện công tác dự phòng, vừa khám và điều trị bệnh). Sở Y tế định hướng phát triển các đơn vị này thành trung tâm y tế khu vực, phục vụ nhu cầu khám và điều trị bệnh của người dân địa phương, đồng thời thực hiện thêm chức năng chỉ đạo tuyến đối với y tế cơ sở (y tế xã, phường) về khám, chữa bệnh. Đối với y tế tuyến xã, thực hiện công tác y tế dự phòng, dân số và phối hợp quản lý an toàn thực phẩm, phụ trách khám sức khỏe ban đầu phục vụ người dân và một số chức năng khác. Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế thành phố, Bộ Y tế sẽ tổng hợp vào báo cáo chung trình Chính phủ xem xét về công tác y tế thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về y tế cũng như chỉ đạo chuyên môn đối với tuyến cơ sở, bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân khi không còn cấp huyện. 

Sự chủ động của ngành Y tế cũng như của các ngành, địa phương, đơn vị trong thời điểm này là cần thiết. Để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về chính quyền địa phương theo hướng bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp dưới cấp tỉnh). Sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, phải kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp.

 Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp hiện nay (tỉnh, huyện và xã) sang 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở). Mục tiêu là sửa đổi cơ bản các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (sau khi sửa đổi), bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Cùng với đó, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. 

Từ những nhiệm vụ và mục tiêu này, đặt ra yêu cầu đối với các cấp, ngành, địa phương trong việc chủ động rà soát, đánh giá chính xác tình hình, thực trạng, xây dựng, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền các phương án hoạt động phù hợp, để khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thực sự phát huy cao hiệu quả, bảo đảm phục vụ người dân tốt hơn.
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập