Kết nối, phối hợp chăm lo người yếu thế
(HPĐT)- Năm 2024, khoảng 2.600 người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ BHYT miễn phí. Hết năm 2024, trên địa bàn thành phố không còn hộ nghèo, nhưng còn hơn 5 nghìn hộ cận nghèo, nhiều trường hợp yếu thế, gặp khó khăn đột xuất. Trước đây, công tác thống kê, quản lý số liệu về những trường hợp yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn này do Phòng Bảo trợ xã hội (thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) thực hiện. Từ 1-3 năm nay, chức năng tham mưu, công tác quản lý nhà nước về người khuyết tật, người cao tuổi, trợ giúp các trường hợp bảo trợ xã hội, công tác xã hội và giảm nghèo trên địa bàn thành phố chuyển Sở Y tế đảm nhiệm. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường hợp yếu thế, thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh chuyên sâu.
Bên cạnh bảo đảm tiêu chí về tiếp cận dịch vụ y tế, nhiều trường hợp yếu thế có nhu cầu, mong muốn tìm việc làm, được đào tạo một số nghề để có thu nhập chủ động, duy trì cuộc sống. Vì cùng chung đối tượng, phạm vi triển khai thực hiện các chính sách, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể phối hợp liên ngành để xây dựng chính sách chăm lo đầy đủ, toàn diện đối với các trường hợp hộ cận nghèo, vừa thoát nghèo, nạn nhân chất độc da cam trên cơ sở khai thác hiệu quả thông tin trên kho dữ liệu dân cư chung của thành phố. Hoặc các sở, ngành cùng tập trung, đề xuất nội dung tổng thể, khái quát, đặc thù, từ đó huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, địa phương trong chăm lo người yếu thể để bổ sung, thay thế các nội dung của từng Nghị quyết đơn lẻ, riêng biệt trước đây, tạo nên sức mạnh đồng bộ trong thực hiện chính sách an sinh của thành phố thời gian tới.