Xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp
(HPĐT)- Theo lãnh đạo Sở Công Thương, năm 2024 vừa qua, mặc dù tình hình thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, song công tác xúc tiến thương mại của Hải Phòng vẫn đạt hiệu quả rõ nét. Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với nhập khẩu, thiết lập dày đặc hơn các “rào cản kỹ thuật”, tăng xu hướng bảo hộ thương mại…, ngành Công Thương thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống.
Nổi bật là các chương trình được tổ chức bài bản, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài thành phố như: Hội chợ Xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng năm 2024; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Tuần hàng Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP… Đặc biệt, ngành Công Thương tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Cần Thơ; tham dự Hội nghị Kết nối giao thương giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam bộ… Đồng thời vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; tổ chức Đoàn giao thương tham gia Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 (CAEXPO 2024)…
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, Sở Công Thương còn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thành phố tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba, Shopee, Lazada, Sendo. Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Duy trì, nâng cấp Sàn giao dịch thương mại điện tử thành phố tại địa chỉ www.hoaphuong.gov.vn với tính năng và công nghệ tích hợp với trình duyệt mới; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tại Hải Phòng đưa sản phẩm lên sàn; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng cũng như thúc đẩy hoạt động giao thương trên sàn. Duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin địa điểm mua sắm thành phố tại địa chỉ maps.hpe.gov.vn với gần 2.000 địa điểm mua sắm…, để sản phẩm Việt không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 225.784 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023, vượt 101,45% kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 187.683,8 tỷ đồng, tăng 14,13% so với cùng kỳ. 2 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 40.624,7 tỷ đồng, tăng 14,07% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó phần nào phản ánh hiệu quả từ các phương thức xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu mà ngành Công Thương tích cực đổi mới và triển khai trong thời gian qua. Đặc biệt là tận dụng sự ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp… Cùng với đó là tập trung khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù các sở, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố hiện thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, song việc triển khai hoạt động này còn gặp nhiều vướng mắc do doanh nghiệp chưa chủ động tham gia, còn ngần ngại và không muốn đầu tư nhiều cho công tác xúc tiến thương mại. Do đó, để phát huy hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có cách tiếp cận thị trường phù hợp, đổi mới các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP của thành phố cần chủ động hơn trong việc tham gia các chương trình kết nối giao thương, tạo được điểm nhấn, thu hút khách hàng, đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối được những đối tác tiềm năng không chỉ trong mà còn ngoài nước.