Từ bến Sáu Kho đến cảng trung chuyển quốc tế
(HPĐT)- Sau ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955), bến cảng bị thực dân Pháp phá hủy, trống rỗng. Thế nhưng sau 70 năm, cảng biển Hải Phòng đang vươn mình mạnh mẽ, tiến nhanh ra biển. Từ bến Sáu Kho nơi sông Cấm ngày nào, cảng biển Hải Phòng nay thênh thang trên con đường trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Bến Sáu Kho năm xưa
Năm 2025, Cảng Hải Phòng chính thức ghi dấu 151 năm trên bản đồ hàng hải quốc tế. Theo đó, cảng Hoàng Diệu nay (cảng Hải Phòng xưa) hình thành từ bến Ninh Hải của làng chài Cửa Cấm cách đây 151 năm về trước. Vào năm 1874, khi đó thực dân Pháp bắt tay xây dựng cảng nhằm biến bến thuyền làng Cấm thành quân cảng và thương cảng lớn. Bến cảng đầu tiên người Pháp xây, cầu tàu dài 250 m cùng 6 nhà kho lớn nên người dân vẫn gọi là bến Sáu Kho. Câu ca “Hải Phòng có bến Sáu Kho/ Có sông cửa Cấm, có lò xi măng” từ đó sinh ra và in sâu trong tâm trí, tình cảm của người dân thành phố Cảng. Đến năm 1902, cầu tàu được mở rộng lên 750 m với 40.000 m2 kho và 15.000 m2 bãi lộ thiên. Đường sắt vào tận bến cảng để tiếp nhận hàng hóa. Cảng Hải Phòng là cảng duy nhất cả nước có đường sắt tiếp cận bến tàu. Những thập niên đầu của thế kỷ 20, cảng Hải Phòng trở thành nơi nhận chuyển tài liệu và đưa đón cán bộ cách mạng. Chi bộ Đông Dương Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Cảng Hải Phòng từ rất sớm (ngày 28-11-1929). Ngày 20-10-1946, tại bến Ngựcảng Hải Phòng được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người từ Pháp trở về.
Sau ngày Hải Phòng giải phóng (13-5-1955), cảng Hải Phòng được Bộ Giao thông Công chính tiếp quản trong bối cảnh kho hàng trống, cầu cảng hư hỏng, nhiều máy móc, tài liệu bị mang đi. Luồng lạch cạn, có nhiều chướng ngại vật. Nhiệm vụ khôi phục hoạt động cảng Hải Phòng được gấp rút triển khai.
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, cảng Hải Phòng trở thành đầu mối đường biển duy nhất, lớn nhất cả nước tiếp nhận viện trợ của Liên Xô và các nước XHCN cho Việt Nam với gần 40 triệu tấn hàng. Do đó, nơi đây trở thành mục tiêu bắn phá, phong tỏa. Từ năm 1965 đến 1972, máy bay Mỹ 300 lần ném bom cảng, lực lượng tự vệ cảng chiến đấu dũng cảm trực tiếp bắn rơi 3 máy bay và cùng đơn vị bộ đội bắn rơi 30 chiếc khác; phá gỡ được 308 quả bom, thủy lôi, bảo đảm cho an toàn cho tàu qua lại.
Đường đến cảng trung chuyển quốc tế
Bước vào thời kỳ đổi mới cũng như thực hiện chủ trương tiến ra biển, từ những năm 2000, cảng biển Hải Phòng không chỉ khai thác các bến ở khu vực cảng Hoàng Diệu mà tiến ra Chùa Vẽ, Tân Vũ, rồi Đình Vũ… Đến trước năm 2019, các tuyến dịch vụ từ cảng biển Hải Phòng chủ yếu kết nối đến cảng trung chuyển hàng hóa của Singapore, Hàn Quốc… chưa kết nối trực tiếp đến Hoa Kỳ, Canada hay châu Âu. Sau đó, với sự xuất hiện của cảng nước sâu Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng vươn mình, bứt phá, đến hết năm 2023, cảng Hải Phòng xếp 30/50 cảng container bận rộn nhất thế giới với lưu lượng hàng hóa thông qua đạt gần 6 triệu TEU. Tiên phong trong chiến lược vươn mình ra biển lớn là Công ty TNHH Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TCHICT) khi ngày 13-5-2018, TC- HICT chính thức khai trương đón chuyến tàu đầu tiên tại bến số 1, 2 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Qua 6 năm hoạt động, năm 2024, TCHITC đạt sản lượng xếp dỡ kỷ lục với hơn 1,6 triệu TEU hàng hóa (vượt công suất thiết kế 1,1 triệu TEU/năm của cảng).
Từ bến số 1, 2, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Hải Phòng giải phóng (13-5- 1955- 13-5-2025), các bến số 3, 4, 5, 6 tại Lạch Huyện chính thức đưa vào khai thác. Cùng với chủ trương vươn mình ra biển lớn, các doanh nghiệp cảng khai thác trong khu vực Đình Vũ, sông Cấm đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị bốc xếp hiện đại; mở các tuyến dịch vụ mới và thậm chí sẵn sàng “móc hầu bao” để thực hiện nạo vét luồng hàng hải đạt độ sâu vượt chuẩn tắc thiết kế để đón tàu lớn vào cảng làm hàng.
Quyết định số 140/QĐTTg ngày 16-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Cảng biển Hải Phòng hướng đến trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Dự kiến đầu năm 2026, các bến số 7, 8 tại Lạch Huyện được khởi công xây dựng. Tiếp đó là cảng Nam Đồ Sơn… sẽ đưa cảng biển Hải Phòng vươn nhanh ra biển, lên tầm cao mới, định vị vững chắc trên bản đồ hàng hải thế giới.