Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng (Kỳ 1)
LTS: Cách đây tròn 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước suốt 21 năm ròng rã, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới. Thời gian qua đi, nhưng những chiến công oanh liệt và sự hy sinh vô bờ bến của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm nhân dân, là niềm tự hào bất diệt của các thế hệ người Việt, được bạn bè thế giới cảm phục. Là những người trong cuộc- vừa là nhân chứng lịch sử, vừa trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, nhiều tướng lĩnh, cán bộ Quân đội ta đã hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu hào hùng trong hồi ký, góp phần không nhỏ làm sáng rõ một giai đoạn lịch sử hùng tráng nhất của dân tộc, được bạn đọc đánh giá cao. Năm 2000, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (do Phạm Chí Nhân thể hiện). Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), Báo Hải Phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc “Chương 9 - Chiến dịch Hồ Chí Minh” trong cuốn hồi ức này.
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng

Thời cơ giành toàn thắng đã đến
Tại Tổng hành dinh, tấm bản đồ toàn miền Nam nhanh chóng trở thành cũ so với tốc độ phát triển của chiến sự. Các đồng chí cán bộ tham mưu đã thay vào đó một bản đồ Nam bộ tỷ lệ 1/200.000 chi chít những ký hiệu xanh, đỏ, thể hiện tình hình ta, địch mới nhất trên chiến trường trọng điểm, và một bản đồ Sài Gòn - Gia Định tỷ lệ 1/50.000.
Hàng mấy tháng liên tục chỉ đạo tác chiến kể từ chiến dịch Tây Nguyên, địa hình và thế trận của ta và địch, tôi gần như đã thuộc lòng. Các bản đồ Nam bộ và thành phố Sài Gòn - Gia Định trải ra trước mắt, ngày đêm gợi lên những suy nghĩ về cách đánh chiến lược trong trận quyết định cuối cùng.
Đi quanh bàn làm việc, nhìn vào tấm bản đồ từ mọi phía, tôi nhớ lại năm xưa đứng trước sa bàn Điện Biên Phủ, suy nghĩ về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Hai sự kiện lịch sử có khoảng cách hơn 20 năm, nhưng giống nhau ở sự động não cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, góp sức tìm ra cách đánh tối ưu nhằm giành thắng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất.
Đã thành thói quen, mỗi lần gặp một bài toán khó và quan trọng trong lãnh đạo, chỉ huy ở tầm vĩ mô, tôi thường tham khảo ý kiến của nhiều cán bộ, nhất là những đồng chí có kinh nghiệm công tác tham mưu và các cán bộ chỉ huy từng trải trong chiến tranh. Dân chủ quân sự bao giờ cũng mang lại những gợi ý tốt, những ý kiến hay. Lúc này, anh Hoàng Văn Thái, Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất phụ trách tác chiến và hậu cần phải dành hầu hết thời gian động viên, tổ chức chi viện chiến trường, tình hình lại phát triển rất nhanh, tôi quyết định lập một tổ thường trực giúp tôi chỉ đạo tác chiến. Mỗi ngày bốn lần, sau buổi giao ban, tôi trực tiếp nghe tổ báo cáo, đề đạt ý kiến. Đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng, ở trong tổ này. Là một trí thức yêu nước, tham gia cách mạng từ những ngày Tháng Tám năm 1945, anh Khánh là một cán bộ quân sự chỉ huy Đại đoàn 308 đánh những trận lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từng là Tư lệnh Mặt trận B70 (Trị - Thiên) trong kháng chiến chống Mỹ, một con người hăng hái, trung thực, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu.
Sau khi phổ biến quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tập trung tất cả cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, tôi yêu cầu các đồng chí trong tổ khẩn trương nghiên cứu đề đạt ý kiến về phương án tác chiến chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong tình huống chiến dịch diễn ra nhanh và cả trong tình kuống chiến dịch phải kéo dài đến hết mùa mưa.
Tôi gợi ý một số điểm để tổ đi sâu nghiên cứu như phương án hình thành thế bao vây, chia cắt địch về chiến lược, chiến dịch; khả năng tiêu diệt địch ở vòng ngoài không cho chúng co cụm vào nội đô; trận then chốt là ở đâu? Thọc sâu vào thành phố từ hướng nào? Biện pháp khống chế sông Lòng Tàu, kênh Chợ Gạo, sân bay Biên Hoà, sân bay Tân Sơn Nhất; sử dụng máy bay của địch đánh các mục tiêu trong thành phố và chặn đường địch chạy ra biển...
(Còn nữa)