Ba trăm ngày đấu tranh sôi sục, quyết liệt giải phóng hoàn toàn thành phố (Kỳ 4)
Mặc dù bị đồng bào đối xử không thân thiện, không chịu tiếp xúc, nhưng cán bộ và bộ đội ta vẫn kiên trì vạch rõ âm mưu địch, vạch mặt những phần tử xấu đã lợi dụng mê tín, thần quyền để ép buộc đe dọa đồng bào, giải thích chính sách tự do tín ngưỡng của Chính phủ ta cho nhân dân hiểu. Mặt khác, bằng những hành động thực tế, cán bộ, bộ đội đến từng nhà thu dọn đồ đạc, của cải, cất giữ chu đáo cho đồng bào, chăm sóc lợn, gà, vườn ao, tuyệt đối không xâm phạm đến cái kim, sợi chỉ của dân. Có nơi ta đã mời được cha cố về nhà thờ làm lễ cho đồng bào.
Với những hành động hết sức tận tình phục vụ của cán bộ, chiến sĩ, ta đã làm cho nhiều người tỉnh ngộ, nhận rõ lẽ phải. Do vậy mà từ chỗ đồng bào công giáo sôi sục chuẩn bị đi Nam, sau một thời gian được ta kiên trì giáo dục, nhiều người đã cùng với cán bộ, bộ đội đi tuyên truyền vận động giải thích cho những người khác an tâm ở lại quê hương làm ăn. Ta còn đưa một số lớn cán bộ bí mật thâm nhập các trại tập trung đồng bào di cư ở nội thành để hằng ngày đi sát tuyên truyền, giáo dục đồng bào. Trước cảnh “sảy nhà ra thất nghiệp”, trước cảnh cướp bóc trắng trợn của kẻ thù, nhận rõ bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của những cha cố phản động và được sự tuyên truyền giải thích của ta, nhiều gia đình nhận ra lẽ phải, tìm cách trốn khỏi trại, trở về làng xóm quê hương. Tháng 9, đã có 335 gia đình bỏ trại và tháng 10, số gia đình bỏ trại di cư lên tới 1.200. Một cụ già hơn 70 tuổi ở xứ Đồng Giới (An Dương) bỏ trại di cư về nói với bà con hàng xóm: “Tôi theo đạo, tôi tin đạo, nhưng tôi không tin người truyền đạo nói bậy”. Lòng nhân ái của Bác Hồ, cùng với đường lối đúng đắn, sáng ngời chính nghĩa của Đảng và Nhà nước ta đã giúp cho hàng chục vạn đồng bào quay về, yên tâm ở lại cùng làng xóm quê hương, không chịu để cho giặc cưỡng ép đi Nam.
Cùng với cuộc đấu tranh chống cưỡng ép di cư, cuộc đấu tranh chống địch cướp tài sản máy móc của thành phố cũng diễn ra hết sức gay go, phức tạp. Ngay từ sau khi có lệnh ngừng bắn, Tỉnh ủy Kiến An và Thành ủy Hải Phòng tăng cường thêm nhiều cán bộ đảng, chính quyền, quân sự và các đoàn thể tập trung chỉ đạo xây dựng cơ sở chính trị ở nội thành Hải Phòng và thị xã Kiến An. Cơ sở phát triển mạnh, đặc biệt là trong các nhà máy, công sở, đã tạo điều kiện cho ta nắm chắc tình hình cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, nắm chắc thời âm mưu và thủ đoạn hoạt động của địch để kịp thời phát động quần chúng đấu tranh. Các cơ sở đã cung cấp cho ta được 300 tấm bản đồ về nhà cửa, các nhà máy, công sở, cùng với nhiều hồ sơ, tài liệu quan trọng về quân sự, kinh tế và các tổ chức do thám, gián điệp Pháp, Mỹ, Anh, đặc vụ Tưởng…
Ngày 29-11, một cuộc đấu tranh lớn đầu tiên của nhân dân đã diễn ra ở nhà thương cạnh chợ Vườn Hoa. Được tin tên phó giám đốc y tế Bắc Việt đưa tay chân đến nhà thương Vườn Hoa tháo chiếc máy chữa răng, bàn mổ và một số dụng cụ khám chữa bệnh, đóng hòm để chuyển đi, Ban cán sự nội thành do đồng chí Phan Hiền, Thành ủy viên phụ trách, quyết định chọn nơi để nổ ra các cuộc đấu tranh đầu tiên làm cho địch phải chùn tay và tạo khí thế đấu tranh cho toàn thành phố. Khẩu hiệu vận động quần chúng là: “Máy móc là xương là thịt của ta”, phải giữ gìn và bảo vệ. Phương châm: “Đấu tranh có lý, có lợi, có chừng có mực, tránh bị khiêu khích”. Lực lượng quần chúng được huy động bao gồm công nhân, nhân viên làm việc tại nhà thương, người bệnh đến chữa răng, chị em buôn bán ở chợ Vườn Hoa, đồng bào đi chợ, lực lượng quần chúng ở các khu lao động Lạc Viên, An Đà, Hàng Kênh, Dư Hàng… Lúc đầu có chừng 2 nghìn người tham gia. Địch huy động hiến binh, lính bảo chính đoàn, com-măng-đô và cảnh sát vũ trang đội mũ sắt, tuốt trần lưỡi lê đến đàn áp, dồn đồng bào ta sang hai bên đường và chộp bắt từng người. Quần chúng kéo đến đông hơn, đấu tranh giằng giữ người không cho địch bắt và tuyên truyền thuyết phục binh lính địch, làm cho nhiều tên lính giác ngộ đứng về phía nhân dân. Ngoài lực lượng đấu tranh tại chỗ, ta còn huy động hàng trăm người kéo đến Ủy ban quốc tế đưa kiến nghị, tố cáo địch vi phạm Hiệp định và đòi Ủy ban quốc tế phải đến giải quyết. Cuộc đấu tranh chống địch kéo dài từ trưa đến gần tối. Hàng nghìn đồng bào reo mừng khi thấy Ủy ban Liên hiệp đình chiến trong đó có đại biểu của ta, mặc quân phục, mũ đính sao vàng (đồng chí Nguyễn Mạnh Ái, Thành ủy viên) cùng với Tổ quốc tế cố định đến lập biên bản quyết định Pháp phải để máy lại và phải thả 18 người bị chúng bắt ra.
Cuộc đấu tranh thắng lợi tạo niềm phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân, đồng thời góp kinh nghiệm cho những cuộc đấu tranh tiếp theo. Không lấy được máy chữa răng ở nhà thương Vườn Hoa, ngày 11-1- 1955, chúng lại cho hai trung đội lính Pháp cùng với hàng trăm cảnh sát kéo đến nhà thương chính. Bọn lính và cảnh sát chia ra chặn các ngả đường, bắn súng uy hiếp tinh thần nhân dân. Chúng lấy hai xe hồng thập tự, chất lên hàng chục hòm thuốc cùng với các máy chiếu điện, máy nắn chân, máy khâu, máy hấp bông băng và một số dụng cụ mổ xẻ. Các nhân viên nhà thương, cùng với đông đảo nhân dân đã bất chấp lưỡi lê, súng đạn địch, xông vào giữ tài sản. Địch nổ súng bắn bảy người bị thương và bắt sáu người. Quần chúng của ta vẫn kiên quyết bao vây không cho xe chở dụng cụ mang đi. Cuối cùng bọn chúng không cướp đi được những thứ máy móc dụng cụ đó…
(Còn nữa)
Trích “Hải Phòng, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - 1986).