Doanh nhân Hải Phòng sở hữu 18 bảo vật quốc gia

06:48 CH 13/02/2024

 

Bảo vật “Lư hương gốm men lam xám” khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588-1591) đời vua Mạc Mậu Hợp.

 

(HPĐT)- Sau 40 năm sưu tầm cổ vật, đến nay, ngoài kỷ lục sở hữu bộ sưu tầm cổ vật tư nhân có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, khoa học nhất Việt Nam mang tên “An Biên”, ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty giày Nhật Việt (thương hiệu giày Vento, địa chỉ quận Hải An, Hải Phòng) còn là cá nhân duy nhất tại Việt Nam sở hữu 18 hiện vật trong bộ sưu tầm An Biên được công nhận là bảo vật quốc gia. Tự hào hơn, số lượng bảo vật này chỉ đứng sau Bảo tàng lịch sử quốc gia.

 

An Biên- tên gọi đầu tiên của vùng đất Hải Phòng do Nữ tướng Lê Chân đặt khi lập nên “Hải tần phòng thủ”. Khi nhiều nhà sưu tầm cổ vật tư nhân trong và ngoài nước, xưa cũng như nay đều có xu thế gắn tên riêng hoặc tên công ty mình với bộ sưu tầm, ông Trần Đình Thăng lại lấy An Biên đặt tên bộ sưu tầm cổ vật mà ông dày công sức, trí tuệ, tiền bạc để làm nên. Mới thấy, ông trân trọng mảnh đất Hải Phòng nơi ông sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Ông có niềm tin nội tâm kiên định bộ sưu tầm An Biên sẽ vượt ngoài giá trị vật thể, hướng tới các giá trị phi vật thể trong lịch sử, văn hóa dân tộc nói chung, là đại diện, sự tự hào của thành phố Hải Phòng nói riêng.

 

Ông Trần Đình Thăng bộc bạch: Ngay từ những ngày đầu sưu tầm cổ vật, cách đây 40 năm, ông đã theo đuổi hiện vật độc bản, tinh túy, đủ giá trị để thành bảo vật quốc gia. Đam mê lịch sử từ nhỏ, ông có cơ hội đi du học ở Liên Xô (trước đây), rồi tự học tập sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ gồm: tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Nhật Bản, tiếng Anh. Bởi vậy, ông Thăng đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu tiếng nước ngoài về lịch sử, văn hóa. Cũng từ đây, ông nuôi dưỡng đam mê sưu tầm cổ vật, nhất là cổ vật Việt Nam. Những năm thập niên 80 thế kỷ trước là khoảng thời gian nhiều cổ vật giá trị của Việt Nam “chảy máu” ra nước ngoài, ông và các cộng sự là ông Motohiko Yamazaki, Trưởng hãng Toyota tại Việt Nam và ông Nguyễn Bá Thanh Long (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cố gắng tìm mua tất cả cổ vật trong khả năng, ngăn chặn bán cổ vật trái phép ra nước ngoài. Rồi ông cũng chẳng quản ngại, cùng các cộng sự đi khắp trong và ngoài nước để tìm kiếm các cổ vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa. Vất vả, sự kỳ công, thậm chí tốn nhiều tiền bạc…, nhưng với việc 18 bảo vật quốc gia được công nhận nói riêng và giá trị bộ sưu tầm An Biên nói chung là sự đền đáp xứng đáng với cả cuộc đời dày công sức sưu tầm của ông.

 

Bảo vật “Bình đồng Đông Sơn” mang họa tiết đặc trưng thời văn hóa Đông Sơn độc nhất vô nhị tại Viêt Nam.

 

Ngày 18-1-2024 vừa qua, 3 hiện vật gồm “Bình đồng Đông Sơn”, có niên đại văn hóa Đông Sơn, thế kỷ thứ 2-1 trước sau công nguyên, “Bình gốm hoa nâu” niên đại thế kỷ 11 đến 12, “Lư hương gốm men lam xám” khoảng niên hiệu Hưng Trị (1588-1591) đời vua Mạc Mậu Hợp được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2023. Các hiện vật được công nhận trước đó vào năm 2022 gồm 6 bảo vật: 2 đĩa gốm men ngọc, niên đại thời Lý, thế kỷ 11-12; đĩa gốm men lam tím, niên đại thời Lê sơ, thế kỷ 15; lư hương gốm hoa lam niên đại thời Lê sơ, thế kỷ 15; 2 đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, niên đại thế kỷ 16 – 17. Năm 2021, 9 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm 4 ấm, 2 liễn và 3 đĩa làm từ gốm men trắng, có niên đại từ triều Lý thế kỷ 11-13.

 

Bảo vật “lư hương gốm hoa lam” niên đại thời Lê sơ, thế kỷ 15.

 

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, 18 hiện vật trong Bộ sưu tầm An Biên được công nhận là bảo vật quốc gia đều tiêu biểu, điển hình mang nhiều giá trị độc nhất chỉ thấy ở loại đồ ngự dụng, dòng sản phẩm chính thống được chế tác chuẩn mực, lối thức độc đáo với hình tượng đề tài nghiêm luật, riêng dụng. Đây là tinh hoa kỹ nghệ qua các thời kỳ, triều đại trong lịch sử dân tộc. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là các hiện vật gốc, độc bản được bảo quản hoàn hảo. Như bảo vật “Bình gốm hoa nâu” là pháp bảo đựng xá lị, pháp thân thuộc dòng đồ phục vụ Phật giáo triều Lý, là hiện vật tiêu biểu sự phát triển đỉnh cao kỹ nghệ gốm thời Lý, với màu men trắng ngà, điểm men nâu và các băng cánh sen được chạm tỉa với kỹ thuật chỉn chu, tinh mỹ. Bình cao 25,5 cm, đường kính miệng 22,7 cm, đường kính đáy 18 cm, trọng lượng 2,7 kg. Bảo vật “Bình đồng Đông Sơn” mang họa tiết đặc trưng thời văn hóa Đông Sơn, được ứng dụng lối đúc thủng lần đầu được thấy thể hiện không gian 3 chiều, bố cục theo hình tròn khí vật và chuyển động của hươu và bò, ngược chiều kim đồng hồ ở băng văn đế bình. Đây là chiếc bình độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

 

Một trong 9 hiện vật làm từ gốm men trắng, có niên đại từ triều Lý thế kỷ 11-13 được công nhận là bảo vật quôc gia năm 2021.

 

Theo tín ngưỡng dân gian, 18 là số của sự cân bằng âm dương, thuận tự nhiên đem năng lượng, điều tốt lành. Việt Nam có 18 đời vua Hùng; trong Phật giáo có 18 vị la hán… Còn bộ sưu tầm của ông Trần Đình Thăng có 18 bảo vật quốc gia. Đây là minh chứng tầm vóc của bộ sưu tầm An Biên, mang yếu tố tâm linh, với dãy thần số học trình tự 3.6.9 tương ứng số hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia 3 năm liên tiếp (năm 2021: 9 hiện vật, năm 2022: 6 hiện vật, năm 2023 là 3 hiện vật). Với cá nhân ông, những con số là năng lượng hồn cốt văn hóa, mạch ngầm của nguồn cội, của các cổ vật đối đãi duyên phúc đủ đầy để những con số cát lành hiện hữu trong bộ sưu tầm, hiển chứng điều “báu vật tầm quý nhân”. Cổ vật, bảo vật, di sản là niềm tự hào, điểm tựa, động lực văn hóa để phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia và của cả nhân loại.

 

Cổ vật được xem như di sản văn hóa đặc biệt nhờ sự kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng, kỹ thuật và nghệ thuật của từng thời kỳ lịch sử. Ngoài giá trị sử dụng, cổ vật còn mang sứ mệnh giao lưu, kết nối kinh tế, văn minh Đông – Tây. Tại cuộc hội thảo khoa học giới thiệu bộ sưu tầm cổ vật An Biên tổ chức năm 2021, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá: Bộ sưu tầm cổ vật An Biên mang đậm những giá trị lịch sử, văn hóa. Ông cũng nêu quan điểm cần coi những bảo vật quốc gia chính là nguồn tài nguyên văn hóa. Còn theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai: Bộ sưu tầm An Biên có ý nghĩa giá trị to lớn cả về kinh tế và tinh thần của thành phố Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc Nhà nước công nhận các hiện vật thuộc sở hữu tư nhân là bảo vật quốc gia góp phần tôn vinh, khuyến khích cá nhân có công trong bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

 

Với nhiều nhà văn hóa, 2023 là năm mà thành phố Hải Phòng đón nhiều tin vui đặc biệt. Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận Di sản thế giới. Hải Phòng đang sở hữu bộ sưu tầm cổ vật quốc gia tư nhân lớn nhất Việt Nam. Không có bài học lịch sử nào sống động bằng chính các hiện vật của cha ông vượt qua được sự tàn phá của thời gian và còn tồn tại đến thế hệ hôm nay. 18 bảo vật quốc gia trong bộ sưu tầm cổ vật An Biên nói riêng và gần 500 hiện vật trong bộ sưu tầm cổ vật An Biên nói chung góp phần khẳng định Hải Phòng là vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời, với những người con biết trân quý giá trị căn cốt, tinh túy của tổ tiên, ông cha để lại, cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

 

Ông Trần Đình Thăng cho rằng: Các bậc tiền nhân không để lại hậu thế nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, đền đài lầu son gác tía mà trao truyền những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể chứa đựng hồn cốt, mỹ tục văn hóa con Lạc, cháu Hồng. Từ việc lưu giữ những giá trị văn hóa cha ông ta để lại thông qua bộ sưu tầm cổ vật An Biên, ông mong muốn trao truyền đến thế hệ trẻ ngọn lửa nhiệt huyết trong bảo tồn, phát huy giá trị cổ vật, cũng là góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hóa, kinh tế đất nước.