Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng
(HPĐT)- 2.668 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Hải Phòng làm tốt vai trò “cầu nối”, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo. Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.
Tuân thủ nguyên tắc
Năm 2024, Tổ TK và VV thôn Mức, xã Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên) do chị Phạm Thị Toàn làm tổ trưởng đạt mốc 58 hộ vay vốn, cao nhất từ trước đến nay, với tổng dư nợ 2,7 tỷ đồng, trong đó, nhiều nhất là dư nợ của các hộ cận nghèo 1,1 tỷ đồng. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Như hộ chị Nguyễn Thị Liên, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi lợn, bò, gà từ năm 2020, đến năm 2024, gia đình thoát nghèo, vươn lên hộ khá, có tiền sửa sang lại nhà cửa sạch sẽ hơn. Nhờ sát sao từng hộ, kịp thời phối hợp xử lý vướng mắc, khó khăn, hiện Tổ TK và VV thôn Mức không có nợ xấu, nợ đọng, nợ lãi; các gia đình khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, qua đó mức sống được cải thiện. Tổ TK và VV thôn Mức được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thủy Nguyên xếp loại tốt. Tính đến cuối năm 2024, toàn xã Phục Lễ có 13 tổ TK và VV, tổng mức dư nợ gần 24 tỷ đồng, với 643 khách hàng; không phát sinh trường hợp nợ quá hạn. Phó chủ tịch UBND xã Phục Lễ Chu Thị Huệ thông tin, trước khi giải ngân, UBND xã cùng các tổ TK và VV thực hiện bình xét những trường hợp đủ điều kiện, bảo đảm công khai, dân chủ; tuyên truyền sâu rộng để các tổ viên nâng cao ý thức trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng "có vay - có trả".
Cùng chung quan điểm này, bà Đỗ Thị Hà, Tổ trưởng Tổ TK và VV thôn Đông Lôi, xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo) cho hay, tổ hiện có 60 hộ được giải ngân từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Những hộ trên đều được rà soát, bình xét công khai, trong đó ưu tiên các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hiện không hộ nào phát sinh nợ xấu.
Nhờ phát huy tốt hoạt động của 2.668 tổ TK và VV; thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, dư nợ tín dụng chính sách của NHCSXH Chi nhánh Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm. Tính đến 30-11-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của ngân hàng trên địa bàn thành phố đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 871 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 17,9% so với năm 2023, với hơn 114 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Tăng chất lượng tín dụng
Năm 2024, mặc dù có những thời điểm còn khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 nhưng vốn tín dụng chính sách xã hội vẫn được đầu tư đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố; bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao. Trong quá trình hoạt động, chất lượng tín dụng là yếu tố hàng đầu được ngân hàng, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, trong đó có các tổ TK và VV quan tâm. Tổng nợ quá hạn các chương trình tín dụng đến nay hơn 5,5 tỷ đồng, chiếm 0,1%/tổng dư nợ; nợ khoanh hơn 1,6 tỷ đồng, chiếm 0,03%/tổng dư nợ; hoàn thành mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn của Nhà nước… Ngoài ra, căn cứ đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng của các xã, phường có 33 xã xếp loại tốt, 168 xã xếp loại khá, 17 xã xếp loại trung bình, không có xã xếp loại yếu. Mạng lưới các tổ TK và VV có số tổ viên thấp được sáp nhập; các tổ yếu kém được kiện toàn lại, nâng cao năng lực hoạt động. Nhờ đó, tỷ lệ tổ xếp loại khá, tốt chiếm trên 95%/tổng số tổ.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng chính sách, năm 2025, NHCSXH Chi nhánh Hải Phòng đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố, các quận, huyện tiếp tục duy trì phân công các thành viên thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát theo địa bàn. Chủ tịch UBND cấp xã kiêm thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, hằng quý thực hiện kiểm tra ít nhất 1 thôn/tổ dân phố, một số tổ TK và VV, nhất là các hộ vay, tổ TK và VV có chất lượng hoạt động chưa tốt. Theo Phó giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hải Phòng Vũ Hữu Huy, ngân hàng đề nghị, thời gian tới, các hội, đoàn thể nhận ủy thác duy trì thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu bình xét cho vay tại tổ TK và VV… Đối với các tổ TK và VV ở cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bình xét; bảo đảm công khai, minh bạch; nguồn vốn đến đúng người thụ hưởng nhanh chóng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Đặc biệt, các tổ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp đôn đốc tổ viên thực hành tiết kiệm, gửi góp định kỳ hằng tháng, bảo đảm tỷ lệ hoàn trả vốn vay cũng như hạn chế thấp nhất phát sinh nợ lãi; góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trong năm 2025 và các năm tiếp theo./.